Ngôi trường của Totto-chan và giá trị sau 30 năm

Trường Tomoe ngoài đời bị phá hủy năm 1944. Trong xã hội Nhật hiện nay, quan điểm giáo dục của thầy hiệu trưởng Kobayashi – lắng nghe trẻ em bằng tình yêu thương – cũng không còn phổ biến. Mặc dù vậy, cuốn sách vẫn sống mãi với thông điệp về một nền giáo dục trẻ em hằng mơ ước.

Totto-chan bên cửa sổ đã bán 7 triệu cuốn ở Nhật. Tại đất nước quê hương, cuốn sách chỉ đứng sau một số ít tác phẩm, chẳng hạn như Rừng Nauy (2 tập) bán được 10 triệu cuốn. Tuy nhiên, Totto-chan xuất bản lần đầu vào năm 1981, còn Rừng Nauy ra đời năm 1987. Vì thế, Totto-chan vẫn là cuốn sách đầu tiên ghi dấu ấn về độ ăn khách đến hàng triệu bản trong lịch sử xuất bản của Nhật.

Giá trị của Totto-chan nằm ở khía cạnh giáo dục. Cuốn tự truyện kể về tuổi thơ của tác giả, nhà văn Kuroyanagi Tetsuko, được viết theo thể tản văn với các chương ngắn, trong truyện không có nhân vật xấu. Ngôi trường Tomoe trong truyện mà nhiều độc giả ngỡ là chỉ có trong mơ, thực ra là một ngôi trường có thật do nhà cải cách giáo dục Sosaku Kobayashi thành lập năm 1937. Năm 1944, khi Chiến tranh Thế giới thứ hai sắp kết thúc, ngôi trường đã bị máy bay ném bom tàn phá nặng nề đến nỗi không thể phục hồi. Dù ngoài đời chỉ tồn tại trong 7 năm ngắn ngủi, ngôi trường đã trở nên vĩnh cửu khi được chính Totto-chan, hay nhà văn Kuroyanagi Tetsuko ngoài đời, chuyển thành hình tượng văn học trong cuốn tự truyện Totto-chan bên cửa sổ, ra mắt 30 năm về trước.

Bìa cuốn “Totto-chan bên cửa sổ” xuất bản tại Nhật. Ảnh: Nikki.

Trường Tomoe được xây dựng trên một đoàn tàu cũ. Để làm phòng học, nhà trường đã phải tận dụng “sáu toa tàu bỏ không” với “hai cột cổng trường là hai gốc cây còn nguyên rễ”, khác xa trường cũ có cổng là hai cột xi măng chắc chắn gắn biển tên trường. Số lượng học sinh trong cả trường chỉ khoảng 50 em, gần bằng một lớp học ở một trường bình thường.

Tomoe là một ngôi trường đặc biệt, dành cho các trẻ em bị coi là “đặc biệt”. Bản thân Totto-chan là một em bé mắc chứng “tăng động” theo ngôn ngữ hiện đại. Cô bé quá hiếu động và không thể ngồi yên trong lớp học. Chính điều đó làm em bị đuổi khỏi ngôi trường cũ. Mẹ Totto-chan đã đưa em đến học tại trường Tomoe bởi bà nghĩ con gái mình cần một nơi mà bé có thể bộc lộ cá tính và khả năng của mình.

Trường Tomoe là nơi học sinh có thể lựa chọn thời khóa biểu theo ý thích của các em. Thầy hiệu trưởng Kobayashi ngay lần đầu gặp mặt đã hỏi Totto-chan có gì muốn nói không, cô bé liền say sưa nói trong khoảng 4 tiếng và thầy giáo đã lắng nghe em trong suốt thời gian đó. Với tất cả học sinh của mình, thầy Kobayashi đều khuyến khích các em nói và sẵn sàng lắng nghe. Thầy tâm niệm, điều quan trọng là để các em tự do phát biểu ý kiến trước mặt mọi người mà không ngại ngùng, xấu hổ. Ngay cả khi một em có thể nói một đoạn ngắn, chỉ toàn những câu rời rạc, thầy vẫn vỗ tay khen ngợi. Nhờ vậy, thầy Kobayashi hiểu và thực sự quan tâm đến từng học sinh của mình. Các em yêu quý thầy đến nỗi tranh nhau để được ngồi lên đùi hay trèo lên lưng thầy.

Điều tác giả muốn truyền đạt đến độc giả là người lớn cần lắng nghe trẻ em, phải tạo cơ hội và bầu không khí thoải mái để các em được nói lên ý kiến của mình. Thông điệp tưởng chừng như quá cũ này dường như lại quá khó để có thể thành hiện thực. Đến nay, theo cách nói của ông Yoshikawa Takeshi, Giám đốc Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam, một mô hình trường học như Tomoe dường như quá “hoang đường” trong xã hội Nhật Bản hay Việt Nam đương đại. Sau khi ngôi trường buộc phải đóng cửa năm 1944, thầy Kobayashi không thể tái tạo lại ngôi trường hay thành lập một trường khác giảng dạy theo cách của Tomoe.

Ông Yoshikawa Takeshi cho biết: “Xã hội của Nhật Bản bây giờ hầu như không có suy nghĩ giống như thầy hiệu trưởng Kobayashi về chủ trương giáo dục không cưỡng chế, mang đến cho trẻ em sức mạnh và lòng tự tin, mang đến cho các em sự tự nguyện, không bắt ép. Nền giáo dục Nhật Bản vẫn đặt thành tích và sự ganh đua lên hàng đầu, với đích đến là những trường đại học tốt hay những công việc hứa hẹn”.

Nhà văn Kuroyanagi Tetsuko thời trẻ. Ảnh: Yahoo.jp.

Totto-chan bên cửa sổ mang trong mình một thông điệp đúng đắn, nhưng trong 30 năm tồn tại, cuốn sách chưa thể thay đổi xã hội hoặc thay đổi hành vi của số đông người trong xã hội Nhật. Mặc dù vậy, ông Yoshikawa Takeshi khẳng định: “Vì cuốn sách bán rất chạy và cũng là cuốn sách được đọc nhiều nhất trong lịch sử xuất bản ở Nhật, chắc chắn nhiều người đã biết và hiểu được thông điệp của cuốn sách. Trong xã hội luôn có những điều đã trở thành quy ước, không thể thay đổi được. Nhưng dù phải tuân theo những quy ước đó, sâu trong trái tim mọi người vẫn mong muốn làm những gì tự do và thực sự đúng với đam mê”.

Totto-chan, hay tên thật là Tetsuko, tác giả cuốn sách, giờ đây đã 78 tuổi, là người dẫn chương trình truyền hình nổi tiếng tại Nhật và đại sứ thiện chí của UNICEF, hoạt động vì quyền lợi trẻ em hơn 20 năm nay. Đó là cách cô bé Totto-chan ở trường Tomoe lớn lên. Trong sách, Totto-chan thổ lộ cô bé nhớ mãi lời thầy Kobayashi luôn nói “Em thật là một cô bé ngoan”. “Nếu không học ở Tomoe”, tác giả viết, “nếu không được gặp thầy Kobayashi, có lẽ tôi đã là một người mang đầy mặc cảm tự ti với cái mác ‘đứa bé hư’ mà mọi người gán cho”. Tetsuko cũng dành những trang cuối của tác phẩm để viết về các bạn bè cùng lớp của mình và cả cuộc sống sau này của họ. Người đã trở thành nhà khoa học, người thành cán bộ, nhưng cũng có người đã qua đời vì căn bệnh bại liệt.

Ngay từ khi ra đời năm 1981 và được dịch sang tiếng Anh 3 năm sau đó, cuốn sách đã được báo chí phương Tây đánh giá cao về giá trị giáo dục. “Totto-chan là bản cáo trạng thầm lặng về một nền giáo dục không có kết quả”, tờ New York Times viết. “Totto-chan đã nhắc nhở hàng triệu người Nhật Bản về một nền giáo dục mà trẻ con hằng mong ước” là lời bình luận trên International Herald Tribune. Đây là những lời bình được trích đăng trên bản tiếng Việt Totto-chan, cô bé bên cửa sổ xuất bản năm 2002, do Phí Văn Gừng và Phạm Duy Trọng dịch, nhà xuất bản Văn học ấn hành.

Tranh của nữ họa sĩ Iwasaki Chihiro được sử dụng minh họa cho cuốn Totto-chan bên cửa sổ, bản dịch của Trương Thùy Lan do Nhà xuất bản Văn học ấn hành tháng 5/2011.

Cho dù hiện nay, ngôi trường Tomoe dường như đã trở thành hình mẫu “chỉ có trong mơ”, nhưng sự thực là vẫn tồn tại cô bé Totto-chan (hay nhà văn Kuroyanagi Tetsuko) từng học ở đó. Thầy Kobayashi cũng là một con người bằng xương bằng thịt, đã thành lập ngôi trường và từng dạy ở đó (thầy qua đời năm 1963).

Khi máy bay B29 dội bom xuống những toa xe của ngôi trường vào năm 1944, thầy Kobayashi đã đứng cạnh con trai thầy, Tomoe, và hỏi cậu: “Thế lần tới ta sẽ xây một ngôi trường như thế nào?”. Khi đó Totto-chan đã nhận ra rằng: “Tình yêu của thầy Kobayashi với trẻ em, lòng nhiệt huyết của thầy với sự nghiệp giáo dục còn lớn hơn ngọn lửa đang bao trùm ngôi trường kia” (trang 314, Totto-chan bên cửa sổ, bản dịch của Trương Thùy Lan năm 2011).

2.8/5 - (6 bình chọn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.