Bảo tồn và phát triển hệ giá trị văn hóa truyền thống Việt

1. Vài nét về một số khái niệm

Bản thân lĩnh vực văn hóa là rất rộng lớn và người ta thường gắn khái niệm “bảo tồn văn hóa” với những đối tượng cụ thể như: bảo tồn văn hóa truyền thống, bảo tồn văn hóa vật thể, bảo tồn văn hóa phi vật thể, bảo tồn di sản văn hóa phật giáo, bảo tồn văn hóa nông thôn… Hiểu theo nghĩa chung nhất thì bảo tồn văn hóa là gìn giữ, lưu lại những giá trị văn hóa.


Phát triển văn hóa là một tất yếu khách quan của sự vận động của lĩnh vực văn hóa nhằm đem tới sự biến đổi giá trị và hệ giá trị nhằm vươn tới cái đẹp hơn cho cuộc sống của con người.


Bảo tồn văn hóa không phải là hoạt động cản trở sự phát triển văn hóa, mà trong một chừng mực nào đó còn là cơ sở cho sự phát triển văn hóa theo đúng hướng. Bản thân quá trình phát triển văn hóa có sự đào thải yếu tố văn hóa lỗi thời, lạc hậu, không phù hợp với hiện thực khách quan. Sẽ là sai lầm khi coi bảo tồn văn hóa triệt tiêu sự phát triển văn hóa và ngược lại phát triển văn hóa sẽ triệt tiêu bảo tồn văn hóa. Bảo tồn và phát triển văn hóa có thể được coi là thúc đẩy nhau; bảo tồn văn hóa giữ vai trò là cơ sở góp phần thúc đẩy phát triển văn hóa. Bên cạnh đó, thông qua phát triển văn hóa, con người nhận thức và thực hiện hoạt động bảo tồn văn hóa nhằm thể hiện bản sắc riêng của mình. Cũng bởi tầm quan trọng của việc bảo tồn văn hóa mà trong quá trình phát triển chứa đựng sự đánh giá, xác lập vị thế của yếu tố văn hóa mới dựa trên nền tảng giá trị đã được bảo tồn.

Giá trị là các tư tưởng bao quát được cùng nhau tin tưởng mạnh mẽ ở một nhóm người, một giai tầng, một dân tộc hoặc một thời đại về cái gì là đúng, sai, thiện, ác, xấu, tốt, hợp lý, không hợp lý. Ở Việt Nam, thường dùng thuật ngữ giá trị là để chỉ phẩm chất, phẩm giá, đức tính (giá trị đạo đức). Nhiều nhà khoa học Việt Nam quan niệm giá trị là tính có ý nghĩa tích cực, tốt đẹp, đáng quý, có ích của các đối tượng với các chủ thể. Phải phân biệt giá trị với quan hệ, giá trị với hoạt động, giá trị với các sự vật của hiện thực để khẳng định rõ giá trị chỉ là những thuộc tính chính diện (mặt tích cực trong ý nghĩa) chứ không phải bất kỳ thuộc tính nào. Giá trị gắn liền với cái tốt, cái hay, cái đúng, cái đẹp nhưng không nên và cũng không thể “đạo đức hóa” toàn bộ các giá trị. Bởi lẻ, chỉ riêng cái tốt đã là thuộc tính của rất nhiều các giá trị khác nhau chứ không đơn thuần là thuộc tính riêng của đạo đức. Bất kỳ sự vật nào cũng có thể được coi là “có giá trị”, dù đó là vật thể hay tư tưởng, là vật thực hay vật ảo nếu nó được các thành viên xã hội thừa nhận và xem xét như một biểu tượng quan trọng trong đời sống tinh thần của họ và cần đến nó như một nhu cầu thực thụ. Giá trị có thể là lý tưởng xã hội cần vươn tới, là mục tiêu chính trị cần đạt được, là sự đam mê nghề nghiệp, là danh dự, tình yêu, sức khỏe, tiền bạc, du lịch, vui chơi, giải trí. Giá trị là nhân tố nền tảng góp phần quyết định nhận thức và hành động các nhân cách; đóng vai trò điều chỉnh các nguyện vọng và hành động của con người và cộng đồng; là chỗ dựa để đánh giá hành động của người khác và để định đoạt lợi ích xã hội của các thành viên trong cộng đồng. Do đó, giá trị xác định tiêu chuẩn của thang bậc xã hội. Mỗi nhóm xã hội, mỗi giai tầng xã hội đều có bảng giá trị đặc thù, từ đó tạo nên đặc điểm chung trong định hướng giá trị đạo đức, lối sống của họ. Thông qua sự vận động và phát triển của các giá trị ở mỗi cá nhân và cộng đồng, đặc biệt và chủ yếu là thông qua sự vận động và phát triển của các bảng giá trị của các giai tầng xã hội mà diễn ra sự chọn lọc, đánh giá và xác định các chuẩn giá trị ở mỗi giai đoạn lịch sử cụ thể, ở mỗi giai tầng, mỗi dân tộc và quốc gia. Hệ giá trị (hay bảng giá trị) là một tập hợp các phạm trù giá trị khác nhau, được cấu trúc theo những thứ bậc khác nhau, và có mối liên hệ có tính lịch sử cụ thể với nhau để thực hiện một hay một số chức năng nhất định. Nó có tính phát triển nội tại và có khả năng chuyển hóa sang một hệ thống khác, nhằm thích ứng với điều kiện và môi trường lịch sử – xã hội. Hạt nhân của mỗi nền văn hóa là hệ thống giá trị. Có thể coi hệ thống giá trị là chỉ số đánh giá trình độ và tính chất đã đạt được của một nền văn hóa.

2. Quan niệm về mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển văn hóa truyền thống Việt Nam với tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại

Lịch sử tồn tại và phát triển của dân tộc Việt Nam luôn luôn gắn liền với quá trình bảo tồn và phát triển văn hóa truyền thống dân tộc. Trong lịch sử bảo tồn và phát triển văn hóa truyền thống dân tộc, Việt Nam luôn luôn thể hiện bản lĩnh vững vàng trước sự du nhập của những trào lưu văn hóa ngoại lai.

Hiện nay, xu thế mở cửa, giao lưu, hội nhập văn hóa ngày càng trở nên sâu rộng, bản lĩnh văn hóa Việt Nam đang phái đối mặt trực tiếp với những thách thức lớn, liên quan đến sự sống còn của dân tộc. Trong việc xử lý mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển hệ giá trị văn hóa truyền thống dân tộc với tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế có ý nghĩa to lớn.

Điều trước tiên là cần phân tích bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế có liên quan như thế nào đến việc xử lý mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển hệ giá trị văn hóa truyền thống dân tộc với tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Điều đáng chú ý là trong quá trình toàn cầu hóa, các nước phát triển đang muốn áp đặt các giá trị văn hóa của rmình cho toàn thế giới. Cơ hội mà toản cầu hóa đem lại cho các nước khác nhau không phải như nhau. Điều đó có nghĩa là toàn cầu hóa sẽ đem lại cho các nước nghèo, đang phát triển nhiều thách thức hơn so với cơ hội. Đứng về khía cạnh văn hóa, toàn cầu hóa mang lại hai bất lợi cho Việt Nam: (1) Những sản phẩm và dịch vụ văn hóa của chúng ta rất khó thâm nhập vào thị trường của các nước phát triển và không thể cạnh tranh nổi với các sản phẩm và dịch vụ văn hóa của các nước phát triển; (2) Toàn cầu hóa có nguy cơ đe dọa làm mất bản sắc văn hóa dân tộc.

Trong suốt quá trình lịch sử, văn hóa Việt Nam không những không bị mất bản sắc, mà còn tiếp thu, hoàn thiện thêm bởi các nền văn hóa nước ngoài, cả phương Đông và phương Tây. Mặc dù vậy, không có gì bảo đảm được rằng Việt Nam sẽ không đánh mất bản sắc của mình trước toàn cầu hóa hiện nay, nếu như mỗi người, mỗi cơ quan, tổ chức không có những hành động cần thiết. Tuy nhiên, nói tới thách thức đó không có nghĩa là chúng ta đóng cửa lại, từ bỏ con đường hội nhập với thế giới. Trong thời đại ngày nay, nếu nước nào đóng cửa thì tất yếu sẽ bị cô lập và bật ra khỏi quỹ đạo phát triển của thế giới, mà ngược lại phải chủ động và tích cực hội nhập quốc tế và xử lý tốt mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển giá trị văn hóa truyền thống dân tộc với tiếp thu văn hóa thế giới.

Muốn xử lý tốt mối quan hệ đó, chúng ta phải tạo ra được một bản lĩnh vững vàng của một nền văn hóa bao gồm tổng hợp những nhân tố thể hiện cốt cách, khí phách, tư chất và sức mạnh khẳng định bản sắc dân tộc trước tác động của các nền văn hóa khác trong giao lưu, hội nhập. Một nền văn hóa thiếu bản lĩnh dễ bị đánh mất bản sắc dân tộc và khó mà bảo tồn và phát triển hệ giá trị văn hóa truyền thống dân tộc và lại càng khó lựa chọn, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Bản sắc là hồn dân tộc và do vậy mất bản sắc văn hóa dân tộc chẳng khác nào một người không còn thần sắc, không đủ bản lĩnh vững vàng để chọn lọc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Ở đây, chủ thể phải biết ứng xử hài hòa để văn hóa Việt Nam không cự tuyệt các giá trị văn hóa bên ngoài theo lối cực đoan, mà sẵn sàng tiếp thu một cách có nguyên tắc, không đánh mất bản sắc văn hóa dân tộc.

Xử lý tốt mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển hệ giá trị văn hóa truyền thống Việt nam với tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại là nhằm mục đích xây dựng văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, bởi vì việc bảo tồn và phát triển hệ giá trị văn hóa truyền thống chính là để làm cho văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, còn tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại chính là để xây dựng văn hóa Việt Nam tiên tiến, hiện đại và cũng góp phần trở thành tinh hoa văn hóa nhân loại. Đó cũng là sự kết hợp chính sách đối nội với chính sách đối ngoại, kết hợp nội lực với ngoại lực trong lĩnh vực văn hóa.

Trong lịch sử dân tộc, Việt Nam chưa bao giờ có cơ hội tiếp thu những giá trị từ nhiều nền văn hóa như bây giờ, nhưng cũng chưa bao giờ chứa đựng nhiều nguy cơ đánh mất bản sắc văn hóa dân tộc như hiện nay. Do vậy, khi xử lý mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển hệ giá trị văn hóa truyền thống dân tộc với tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại phải kết hợp được giữa tính nguyên tắc với tính linh hoạt, nghĩa là việc bảo tồn và phát triển hệ giá trị văn hóa truyền thống dân tộc phải trên cơ sở chủ động tiếp thu có chọn lọc những cái hay, cái tiến bộ, tinh hoa văn hóa của các dân tộc khác trên thế giới. Muốn phát triển vững chắc, ngoài yếu tố mang tính quyết định là dựa vào nội lực, tức là bảo tồn và phát triển hệ giá trị văn hóa truyền thống dân tộc, thì đồng thời phải quan tâm chú trọng đến nhân tố ngoại lực, tức là tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Việc giao lưu văn hóa, hợp tác quốc tế là một yếu tố quan trọng trong quá trình phát triển văn hóa Việt Nam. Thông qua giao lưu và hợp tác văn hóa mà Việt Nam tiếp thu, nắm bắt được những thành tựu văn minh, những tinh hoa văn hóa của nhân loại. Mở rộng giao lưu văn hóa, hợp tác quốc tế, Việt Nam có điều kiện để phát huy lợi thế so sánh của mình, đánh giá được đúng mình và nhận thức được thế giới xung quanh để tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, những tiến bộ của thế giới nhằm mục tiêu phát triển văn hóa Việt Nam. Lênin đã từng nói phải dùng cả hai tay mà lấy những cái tốt của nước ngoài. Hợp tác, giao lưu văn hóa được tiến hành trên cơ sở độc lập, tự chủ thực sự của quốc gia dân tộc. Ngày nay, trong quan hệ giao lưu văn hóa, các nước phải thực hiện theo nguyên tắc: tôn trọng độc lập chủ quyền của nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của các nước khác, bình đẳng và cùng có lợi, tự chủ, tự quyết. Nguyên tắc này là cơ sở trong giao lưu văn hóa giữa các nước.

Trong văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, bên cạnh những yếu tố vốn kế thừa từ truyền thống văn hóa dân tộc, cũng có những yếu tố tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Chính nhờ sự giao lưu văn hóa giữa các dân tộc làm cho nhiều giá trị của bản sắc dân tộc ta được khẳng định, đồng thời qua đó chúng ta học hỏi, tiếp thu, bổ xung thêm nhiều giá trị mới, làm cho bản sắc văn hóa dân tộc phong phú, đa dạng hơn. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay, Việt Nam chủ động giao lưu văn hóa và phát huy những lợi thế so sánh của mình, giới thiệu với thế giới những tiềm năng, thành tựu văn hóa, những hình ảnh về đất nước, về con người Việt Nam, đồng thời vừa là điều kiện để Việt Nam có thể tiếp nhận tinh hoa văn hóa nhận loại làm phong phú , đa dạng và hoàn thiện hơn nền văn hóa Việt Nam.

Mở cửa giao lưu văn hóa, hợp tác với bên ngoài sẽ đón nhận, chọn lọc, tiếp thu nhiều cái tốt, cái tích cực, nhưng cũng phải đối mặt với không ít cái xấu, cái tiêu cực. Tuy nhiên, không vì lo sợ cái xấu, cái tiêu cực để rồi chúng ta đóng cửa, sống biệt lập. Cách làm như vậy không những kìm hãm sự phát triển mà còn không khẳng định được bản sắc dân tộc, không phát huy được sức mạnh nội sinh, không loại bỏ được yếu tố mang tính lạc hậu, bảo thủ.

Bảo tồn và phát triển hệ giá trị văn hóa truyền thống dân tộc phải đi liền với chống lạc hậu, lỗi thời trong văn hóa tư tưởng, phong tục tập quán, lề thối cũ. Trong truyền thống văn hóa dân tộc có những đặc điểm mang tính tích cực của thời điểm này, nhưng ở thời điểm khác lại không còn phù hợp, có những nội dung được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác , song cũng có những yếu tố trở nên lỗi thời, không còn phù hợp cần được gạt bỏ. Truyền thống văn hóa dân tộc cần luôn luôn được phát huy, bổ sung, thay thế, hoàn thiện cho phù hợp với yêu cầu của thực tiễn cuộc sống. Muốn phát huy, bổ sung, thay thế, hoàn thiện văn hóa truyền thống dân tộc có thể tiến hành bằng nhiều con đường, nhưng trong đó không thể thiếu con đường tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại.

Xử lý mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển hệ giá trị văn hóa truyền thống dân tộc với tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại phải kết hợp với việc giải quyết tốt mối quan hệ giữa độc lập, tự chủ với chủ động, tích cực hợp tác quốc tế. Độc lập tự chủ và chủ động, tích cực hội nhập quốc tế là những nội dung hết sức quan trọng trong quá trình phát triển của dân tộc ta. Xử lý vấn đề này và vấn đề về mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển hệ giá trị văn hóa truyền thống dân tộc với tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, vừa phải xử lý đồng thời, có kết hợp với nhau. Nếu chỉ chú trọng một trong hai mặt đó thì đều không có lợi cho sự phát triển kinh tế, chính trị và văn hóa của chúng ta. Về hai mối quan hệ này đang còn những ý kiến khác nhau. Có ý kiến cho rằng càng mở rộng giao lưu, hợp tác quốc tế, trong đó có giao lưu, hợp tác văn hóa, tiếp thu tinh hoa nhân loại thì càng khó khăn cho việc bảo vệ nền độc lập, tự chủ, giữ gìn, phát huy truyền thống văn hóa dân tộc. Ý kiến này có cái nhìn khá nặng nề, cứng nhắc, bi quan về việc chủ động, tích cực hội nhập quốc tế và tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Ý kiến khác lại cho rằng chủ động , tích cực hội nhập quốc tế, tiếp thu mạnh tinh hoa văn hóa nhân loại không có ảnh hưởng tiêu cực gì đến vấn đề độc lập, tự chủ, bảo tồn và phát triển hệ giá trị văn hóa truyền thống dân tộc. Cách nhìn này phiến diện, chủ quan, không thấy hết những khó khăn, phức tạp trong hợp tác hội nhập, đặc biệt trong lĩnh vực văn hóa.

Độc lập, tự chủ, bảo tồn và phát triển hệ giá trị văn hóa truyền thống dân tộc và chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại có mối quan hệ biện chứng, tác động qua lại lẫn nhau. Trong mối quan hệ này thì độc lập, tự chủ, bảo tồn và phát triển hệ giá trị văn hóa truyền thống dân tộc là cái quyết định, là cơ sở vững chắc để mở rộng hợp tác, giao lưu quốc tế có hiệu quả, và ngược lại chính việc chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, biết tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại trên cơ sở những nguyên tắc nhất định là điều kiện quan trọng để phát triển, củng cố và giữ gìn độc lập, tự chủ quốc gia và bảo tồn, phát triển hệ giá trị văn hóa truyền thống dân tộc. Xử lý hài hòa những mối quan hệ này sẽ giúp nước ta phát huy được tiềm năng lợi thế so sánh của mình, vừa tranh thủ được các điều kiện, các nguồn lực bên ngoài đề phát triển.

3. Một số kiến nghị

– Trong quá trình bảo tồn và phát triển hệ giá trị văn hóa truyền thống dân tộc và tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại thì sự lúng túng chính là tiêu chí để thực hiện hai việc đó. Mặc dù chúng ta đã nói tới tiêu chí đó, nhưng chưa rõ ràng, minh bạch, chưa chặt chẽ, hệ thống. Vì vậy, việc cần làm ngay chính là phải nghiên cứu để xác định tiêu chí của những giá trị văn hóa truyền thống dân tộc và tiêu chí xác định tinh hoa văn hóa nhân loại để thấy rõ cái nào cần kế thừa, tiếp thu, cái nào cần loại bỏ. Trong quá trình đổi mới và hội nhập quốc tế, hệ giá trị văn hóa truyền thống dân tộc có nhiều biến đổi cả trong nhận thức và cả trong thực tế do sự tác động từ nhiều phía. Do đó có phần nào rối loạn, không biết đâu là những giá trị văn hóa đích thực hay những giá trị giả. Từ đó dễ nảy sinh hiện tượng sùng ngoại, ăn sống nuốt tươi những cái từ bên ngoài, hoặc sùng cổ, coi cái gì của mình cũng tốt. Chính vì thế mà vấn đề hàng đầu hiện nay là đưa ra được tiêu chí xác định hệ giá trị văn hóa truyền thống dân tộc và tiêu chí đánh giá tinh hoa văn hóa nhân loại.

– Dân dần tiên tới xây dựng một hệ thống quan điểm chỉ đạo tương đối thống nhất trong việc giải quyết mối quan hệ giữa bảo tồn, phát triển hệ giá trị văn hóa truyền thống dân tộc với lựa chọn, tiếp thu văn hóa nhân loại. Hiện nay còn nhiều quan điểm khác nhau về vấn đề này. Trước hết là cần thống nhất về tầm quan trọng của hai nhiệm vụ: nhiệm vụ bảo tồn và phát triển hệ giá trị văn hóa truyền thống dân tộc và nhiệm vụ tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Đồng thời cần thấy cả tầm quan trọng của việc kết hợp chặt chẽ giữa hai nhiệm vụ đó. Tiếp đến là cần nhận thức đúng cơ hội và thách thức. Toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế vừa tạo ra cơ hội vừa có những thách thức đối với văn hóa Việt Nam. Nếu chỉ thấy cơ hội thuận lợi để mất cảnh giác, sơ hở thì sẽ phải trả giá lớn, nếu chỉ thấy những nguy cơ, những thách thức đe dọa để run sợ, mất tinh thần, không còn tỉnh táo nữa, rồi quay trở lại chính sách bế quan tỏa cảng, đóng cửa, không hội nhập quốc tế thì đất nước sẽ trở nên lạc hậu, không còn lối ra nào thì sẽ bị diệt vong.

– Phải bình tĩnh phân tích, đánh giá tình hình và chấp nhận thua thiệt. Trong quá trình hội nhập quốc tế, về khách quan cả về thế và lực của Việt Nam đều còn rất hạn chế. Ở đây đòi hỏi một bản lĩnh vững vàng của những nhà lãnh đạo, quản lý và những nhà nghiên cứu trong việc phân tích, đánh giá, lựa chọn về chiến lược, về chính sách, về đối sách cụ thể đối với cả cơ hội và thách thức. Không nên dao động từ cực này sang cực khác, do vị thế của mình nên phải chấp nhận thua thiệt để được cái lớn hơn.

– Phải đấu tranh để đối thoại và hợp tác trên cơ sở bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau. Đảng ta chủ trương vừa hợp tác vừa đấu tranh trên tất cả các lĩnh vực. Riêng trong lĩnh vực văn hóa lại càng phải thực hiện đối thoại, hợp tác bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau. Đó là một trong những biện pháp hữu hiệu để tăng cường kiến thức, hiểu biết, tránh hiểu lầm, và xung đột giữa các quốc gia, dân tộc.

– Thực hiện tính thống nhất và tính đa dạng trong hội nhập văn hóa quốc tế. Việt Nam vừa có trách nhiệm bảo tồn, phát triển hệ giá trị văn hóa truyền thống dân tộc lại vừa có trách nhiệm đóng góp xây dựng những giá trị văn hóa chung của thế giới. Ở đây, có sự tác động qua lại biện chứng giữa yếu tố nội sinh và yếu tố ngoại sinh của quá trình phát triển văn hóa. Điều quan trọng là làm sao xử lý đúng đắn mối quan hệ ấy trong giao lưu văn hóa. Chủ thể quan trọng nhất trong việc xử lý vấn đề này trước hết là Đảng, Nhà nước, đặc biệt là bộ phận những người làm công tác quản lý văn hóa phải làm sao để mọi người Việt Nam vừa kế thừa được hệ giá trị văn hóa truyền thống dân tộc, vừa tiếp thu được tinh hoa văn hóa nhân loại. Nội sinh và ngoại sinh, dân tộc và quốc tế, truyền thống và hiện đại luôn luôn được đặt ra trong quá trình giao lưu văn hóa.

– Hiện nay, nhiều nước lớn với ưu thế về tài chính, nhất là với những phương tiện hiện đại của truyền thông, đang có ý đồ “xâm lược về văn hóa”, đưa  văn hóa từ bên ngoài xâm nhập vào nội địa các nước, lấn át nền văn hóa bản địa, phổ biến lan tràn nhiều văn hóa phẩm tiêu cực và độc hại. Vì vậy, phải ngăn chặn và đấu tranh chống lại sự xâm nhập của các loại văn hóa độc hại, bảo vệ văn hóa dân tộc. Bảo vệ văn hóa dân tộc cần thiết, nhưng không phải là phục hồi tràn lan văn hóa quá khứ, thiếu “gạn đục khơi trong”. Cần nhớ rằng tác động của truyền thống mang tính hai mặt : vừa mang tính tích cực, góp phần tạo nên sức mạnh và là chỗ dựa không thể thiểu của Việt Nam trên con đường phát triển, lại vừa là mảnh đất hết sức thuận lợi cho sự duy trì và làm sống lại mặt bảo thủ, lạc hậu, lỗi thời khi mà điều kiện lịch sử xã hội đã thay đổi, và do đó nó có thể là vật kìm hãm, níu kéo sự phát triển của nước ta. Vì thế , cần chống lại cả bại khuynh hướng: hoặc tuyệt đối đối hóa hoặc phủ định sạch trơn truyền thống văn hóa dân tộc.

Đánh giá

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.