Tác giả tiểu thuyết Robinson Crusoe – 3 trong 1

Mặc dù đến với văn chương khá muộn, khi đã 59 tuổi, song ngay từ tác phẩm đầu tay, tài năng của nhà văn Anh Daniel Defoe (1660- 1731) đã có sức chinh phục đông đảo công chúng…

Trong nền văn chương thế giới, có lẽ hiếm một nhân vật hư cấu nào lại có sức sống lâu bền và được độc giả yêu mến như nhân vật Robinson Crusoe trong tác phẩm cùng tên của Defoe. Và cũng hiếm tác phẩm nào chinh phục được mọi tầng lớp, mọi thế hệ độc giả như tác phẩm này. Nhân dịp kỷ niệm 350 năm ngày sinh Daniel Defoe (tháng 9 năm 1660 – tháng 9 năm 2010), xin giới thiệu cùng bạn đọc những mẩu chuyện thú vị xung quanh cuộc đời và văn nghiệp của ông nhà văn được xem là “ba trong một” (viết văn, đi buôn, làm… do thám) này…

Daniel Defoe sinh ra tại London, trong một gia đình theo Thanh giáo (một giáo phái thịnh hành ở Anh thời ấy). Bố ông làm nghề sản xuất nến và bán thịt. Năm Defoe 16 tuổi, mẹ mất, ông được đưa vào học tại trường dòng, với ý hướng sau này trở thành mục sư. Nhưng Defoe lại có sở thích khác. Tốt nghiệp trường dòng, mặc dù được trang bị đầy đủ các kiến thức về lịch sử, địa lý, triết học cũng như biết tới ba ngoại ngữ: Pháp, Tây Ban Nha, Italia, song Defoe lại chí thú với việc kinh doanh hơn. Có lẽ, máu buôn bán của người bố đã ngấm vào người con. Defoe lao vào thương trường với các mặt hàng vải vóc, mũ áo, rượu vang… Việc kinh doanh đã đưa ông tới nhiều nơi, như Pháp, Italia, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, thậm chí có lúc còn khiến ông sa vào tay bọn cướp biển. Mặc dù vất vả, lăn lộn với nghề như vậy, song việc làm ăn của Defoe không thật sự được hanh thông. Nhiều lần ông rơi vào tình trạng thua lỗ.

Sau này, tổng kết cuộc đời mình, Defoe đã chua chát nhìn nhận rằng: “Mười ba lần tôi phất lên nhờ kinh doanh, rồi lại bị khánh kiệt”. Dẫu thế nào thì dấu vết nghề buôn vẫn ngấm vào con người Defoe một cách sâu đậm, đến độ, nhân một lần phân tích tâm lý, cách suy luận của nhân vật Robinson Crusoe, nhà văn lừng danh Walter Scott đã phải buông nhận xét: “Nhân vật này lập luận hệt như bất cứ một chủ tiệm buôn nào ở phố Sarinh Corx”.

Không chỉ là nhà buôn, Daniel Defoe còn gây sửng sốt dư luận bởi một nghề vốn dĩ được xem là rất xa với… nghề văn mà ông từng tham gia. Đó là nghề “do thám”. Trong những giấy tờ, thư tín Defoe để lại, cách đây ít lâu, người ta tìm thấy một bản viết tay, được xác định là thư Defoe viết gửi Huân tước Garley, trong đó có đoạn: “1. Nắm vững toàn bộ tình hình của các phái chống lại đường lối hợp nhất của chúng ta; bằng mọi cách chặn đứng các ý đồ của họ”; “2. Trao đổi với người dân địa phương, dùng các phương tiện có thể để chèo lái họ theo chiều có lợi cho đường lối của chúng ta”. Từ những tài liệu trên, người ta dễ dàng đi đến kết luận: Daniel Defoe là một trong những nhà văn đầu tiên trên thế giới tham gia hoạt động “phản gián”. Không phải ngẫu nhiên mà Defoe đã có lúc gọi mình là “nhà buôn, người viết báo đả kích, tên do thám”, càng không phải ngẫu nhiên mà đã có lần Defoe suýt bị người dân xứ Scotland đánh chết chỉ vì họ nghe thấy ông bất ngờ nói tiếng… Anh.

Tranh minh họa nhân vật Robinson Crusoe trong tác phẩm cùng tên của Defoe.


Sinh thời, Daniel Defoe được xem là người thiếu nhất quán về quan điểm chính trị, xã hội. Thậm chí có lúc còn bị cho là “mạnh chiều nào, theo chiều ấy”, trong khi bản thân ông lại luôn khẳng định là mình chưa bao giờ phản lại lập trường chính thống của mình. Việc này, hiện các nhà nghiên cứu còn nhiều ý kiến bàn cãi. Chỉ biết là, Defoe từng tham gia nhiều đảng phái chính trị khác nhau, từng nhiều lần vào tù ra tội. Đã có lúc ông bị kết án bêu cọc, thiếu chút nữa thì bị ném gạch đá đến chết, chỉ vì một bài báo khiến cả hai phe phái đều hiểu lầm thái độ của tác giả. Từng được tiến cử và tuyên thệ trung thành với Nữ hoàng Anh Anna, vậy mà sau đó Defoe lại bị bắt giam và bị buộc tội bất kính với Nữ hoàng và có âm mưu xúi giục phản loạn vì viết hai bài báo “Điều gì sẽ xảy ra khi Nữ hoàng qua đời?” và “Bỗng xuất hiện người kế vị”. Trước đấy, năm 1713, Defoe cũng đã bị bắt giam theo yêu cầu của sứ quán Nga vì tội nhạo báng Piotr Đại Đế là “gấu Siberi”. May nhờ “quý nhân phù trợ” mà sau những lần bị giam cầm, rốt cục Defoe đều nhanh chóng được trả tự do.

Ngoài những lần bị “đóng hộp” bởi những lý do kể trên, Defoe còn một số lần bị tù giam vì… vỡ nợ. Có thể nói, những năm cuối đời, Defoe sống trong cảnh túng thiếu, bệnh tật và cô đơn. Nợ nần nhiều, để tránh bị tịch thu tài sản, Defoe đã phải dùng đến kế sách bỏ nhà ra đi, bảo toàn của cải cho các con. Khi Defoe mất đi (tại Morphin, ngày 26 tháng 4 năm 1731), để tỏ lòng tiếc thương người cha của nhân vật Robinson bất hủ, trẻ em nước Anh đã quyên tiền xây cho nhà văn yêu quý của mình một ngôi mộ đẹp đẽ.

Như ở phần mở bài đã nói, Daniel Defoe đến với văn chương khá muộn. Tới năm 59 tuổi (1719), ông mới cho xuất bản cuốn tiểu thuyết đầu tay “Robinson Crusoe”. Tuy nhiên, ngay từ lần xuất bản đầu tiên, cuốn sách đã được bạn đọc hết sức hoan nghênh. Thành công của nó mạnh tới mức, dẫu sau đó, Defoe còn cho xuất bản một số cuốn khác, và không phải không ít nhiều có giá trị, như các cuốn “Thủ lĩnh Singleton”, “Moll Flanders”, “Đại tá Jack”, song trước sức lan tỏa của “Robinson Crusoe”, chúng đều trở nên mờ nhạt. Thậm chí, thành công của “Robinson Crusoe” hoàn chỉnh đến độ, dù sau này Defoe còn viết tiếp phần hai và phần ba (là phần kể về chuyến Robinson trở lại hoang đảo rồi qua Madagasca, ấn Độ, Trung Quốc, qua Sibir rồi về lại châu Âu; và phần kể lại những suy tưởng của Robinson khi vượt qua những gian nguy), song bạn đọc cũng chẳng mấy người “mặn mà” với phần “ăn theo” này. Để rồi, đến nay, khi nhắc tới “Robinson Crusoe”, bạn đọc chỉ biết đến bản in lần đầu mà thôi.

Ở đây, thiết nghĩ cũng cần nói thêm về cuốn sách trứ danh này một chút.

Nhiều bạn đọc đã biết, anh chàng Robinson trong sách của Defoe là một người ưa hoạt động, rất thích phiêu lưu tới những miền đất lạ. Chính từ một lần như thế, do gặp bão biển, tàu bị đắm, Robinson đã trở thành nạn nhân duy nhất còn sống sót và bị hất lên một hoang đảo. Từ đây là đằng đẵng 28 năm trời một mình đánh vật với cuộc mưu sinh, với muông thú, với nỗi cô đơn, với sự đe dọa của những người thổ dân có lối sống man dại… trước khi may mắn được về với đất liền, tái hòa nhập cộng đồng. Điều thật bất ngờ là con người có những hành động từng làm say lòng bao thế hệ độc giả ấy hóa ra không phải là sản phẩm của sự hư cấu. Nói một cách cụ thể thì khi xây dựng nhân vật Robinson Crusoe, Defoe đã dựa vào một nhân vật có thật. Đó là Alexander Selkirk, một thủy thủ người Scotland. Điều khác cơ bản là trong cuốn tiểu thuyết của mình, Defoe cho chàng Robinson sống ở hoang đảo tới 28 năm, trong khi Selkirk chỉ phải ở đó 4 năm. Robinson bị “hất” lên hoang đảo là do thiên tai, trong khi ở ngoài đời, Selkirk bị đẩy lên hoang đảo là do đồng nghiệp trừng phạt.

Sau này, khi Selkirk trở lại nước Anh, anh ta đã đem câu chuyện dích dắc về một chặng đời của mình ra kể cho các thực khách trong một số quán rượu. Danie Defoe là một trong những người nghe và ghi lại được. Điều đáng nói là trong khi tiểu thuyết “Robinson Crusoe” đang lên cơn sốt trong dư luận thì “nguyên mẫu” của cuốn sách lại gặp phải một sự cố bất hạnh. Ngày 12/12/1721, Selkrik đột ngột qua đời. Bệnh sốt vàng da ở Tây Phi đã buộc người ta phải thả xác người thủy thủ xấu số này xuống biển.

Những thông tin trên đã thêm lần được củng cố, chứng minh qua đợt khai quật diễn ra cách đây hai năm của nhóm các nhà khảo cổ: Daisuke Takahashi (người Nhật) và David Caldwwell (người Scotland). Theo các nhà khảo cổ này thì hoang đảo mà Selkirk bị “bỏ lại” trên đó chính là đảo Masa Tierra, một hòn đảo thuộc quần đảo Juan Fernander quanh năm sóng gió, cách bờ biển Chile chừng 650km. Hòn đảo này từ năm 1966 đã được Chính phủ Chile đặt tên là đảo Robinson Crusoe vì có nhiều giả thiết đây chính là nơi “tạm cư” của “nguyên mẫu”. Hai nhà khảo cổ Daisuke Takahashi và David Caldwell đã dành cả tháng trời để khảo sát hòn đảo. Và trong quá trình khai quật, họ đã phát hiện thấy một mảnh đồng dài 1,6cm. Đây được xác định là phần bị gãy rời của một dụng cụ đo hướng, vốn được dùng phổ biến ở thời của Selkirk. Điều quan trọng hơn, khi kiểm tra về độ kết cấu, mảnh đồng được xác định là được chế tác từ quận Cornwall của nước Anh.

Vậy là, thêm một bằng chứng hùng hồn về sự xuất hiện của nguyên mẫu nhân vật Robinson trên hòn đảo Masa Tierra…



Theo Công an nhân dân

Đánh giá

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.