Nhà thơ Thanh Hào (tên thật là Nguyễn Văn Hào), sinh ngày 3 tháng 3 năm 1931. Quê quán: thôn Bắc Biên, phường Ngọc Thụy, quận Long Biên, thành phố Hà Nội. Trở thành Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 1988. Sau một thời gian lâm bệnh, mặc dù đã được các bác sĩ và người thân tận tình cứu chữa, chăm sóc, nhưng vì tuổi cao, bệnh nặng, nhà thơ Thanh Hào đã qua đời vào hồi 1h30’ ngày 21/10/2011. Hưởng thọ 81 tuổi.

Nhà thơ Thanh Hào.
Lễ viếng được tổ chức từ 11h00 ngày 21/10 đến 15h00 ngày 22/10/2011 tại nhà riêng: số 96 ngõ 293 đường Ngọc Thụy, quận Long Biên, Hà Nội. An táng tại nghĩa trang quê nhà: Ngọc Thụy, Long Biên, Hà Nội.
VanVN.Net xin thông báo tin buồn tới toàn thể hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, bạn đọc, người yêu thơ Thanh Hào và gửi lời chia buồn sâu sắc nhất tới tang quyến nhà thơ Thanh Hào.
Tiểu sử nhà thơ Thanh Hào:
Sinh ra trong gia đình nông dân nghèo, là cơ sở cách mạng. Làm công nhân vận chuyển ở ủy ban Tiếp tế Trung ương trong An toàn khu chiến khu Tân Trào. Năm 1952 theo gia đình về Hà Nội, làm thợ xếp chữ, học bổ túc văn hóa và ngoại ngữ. Thời Hà Nội tạm chiếm có văn thơ in trên các báo: Tia sáng, Giang sơn, Liên hiệp, Cải tạo… Từ năm 1960 trở lại viết văn làm thơ, cộng tác viên thường xuyên của các báo Văn học, Thiếu niên tiền phong, Nhi đồng, Độc lập…
Tác phẩm chính đã xuất bản: Bóng mây (thơ nhi đồng, 1978); Vườn nhỏ (thơ thiếu nhi); Thú quê (tùy bút, 1997); Duyên quê (tản văn, 1998); Lên chùa (tản văn, 1998); Bánh trái quê nhà (tản văn cho thiếu nhi, 2000); Thao thức – giao thừa (thơ, 2000); Con sáo nói tiếng người (truyện đồng thoại, 2003); Thơ với tuổi thơ (2002)…
Giải thưởng văn học: Giải C – Ủy ban Thiếu niên nhi đồng toàn quốc, 1980. Giải thưởng của Viện Khoa học giáo dục và Hội Rada Barnen Thụy Điển. Giải Nhì Cuộc vận động sáng tác cho thiếu nhi 2001 – 2001, Nxb Kim Đồng…
Chùm thơ viết cho thiếu nhi – Thanh Hào
Cái trống trường em
Cái trống trường em
Mùa hè cũng nghỉ
Suốt ba tháng liền
Trống nằm ngẫm nghĩ
Buồn không hả trống?
Trong những ngày hè
Bọn mình đi vắng
Chỉ còn tiếng ve..
Cái trống lặng yên
Nghiêng đầu trên giá
Chắc thấy chúng em
Nó mừng vui quá
Kìa trống đang gọi
Tùng! Tùng! Tùng! Tùng…
Vào năm học mới
Rộn vang tưng bừng.
Bóng mây
Hôm nay trời nắng như nung
Mẹ em đi cấy phơi lưng cả ngày
Ước gì em hoá thành mây
Em che cho mẹ suốt ngày bóng râm.
(1961)
Dậy sớm
Tinh mơ em thức dậy
Rửa mặt rồi đến trường
Em bước vội trên đường
Núi dăng hàng trước mặt
Sương trắng viền quanh núi
Như một chiếc khăn bông
– Ồ núi ngủ lười không
Giờ mới đang rửa mặt…
Ngoảnh lại
Tuổi đời ta đã vào đông
Tóc chưa chịu bạc! – Lạ lùng? – Người ơi!…
Đã từng bom đập, đất vùi
Từng phen sông lở, bãi bồi… nông sâu
Lần hồi con cá mớ rau
Bông hoa, quả khế, nuôi nhau lần hồi…
Câu thơ bán lẻ giữa đời
Trang văn vạch đất, chỉ trời mà rao!
Cái nghèo níu cổ đè đầu
Văn chương, nghiệp chữ vò nhàu trái tim
Phải rằng: Được làm thơ tặng trẻ em
Trời xui tóc bạc trốn tìm tóc xanh
Ngoảnh đầu, ngót tám mươi xuân
Bao nhiêu mùa nữa được làm trẻ thơ
Cây già (may) nẩy chồi tơ?
Ơn đời cho đất, ngày xưa ươm mầm!…
Tiếng con cười và tiếng bom
Nửa đêm nghe tiếng con cười
Môi hồng thỏ thẻ những lời của hoa
Rằng: “Con yêu bố nhất nhà
Cũng yêu mẹ nhất, yêu bà nhiều hơn…”
Bỗng; “Rầm! – Trời đất tối om
Tiếng com lịm giữa tiếng bom rền rền
Tiếng người kêu cứu – xóm giềng
Khói đen lửa đỏ ngả nghiêng đất trời
Vườn hoa nhà cửa tơi bời
Giật mình cha thét: “Con ơi sập hầm!”
Có gì đâu, đêm lặng câm
Thì ra một giấc mơ bần hồn cha
Hai nhăm năm đã đi qua
Tiếng con, tiếng nổ theo ta trọn đời
(Viết ngày giỗ hai con gái nhỏ bị bom B52 – 1997)