Văn hào Charles Dickens: Lận đận trong ánh hào quang

Charles Dickens là tiểu thuyết gia nổi tiếng nhất nước Anh thế kỷ XIX. Ông được xem là người kể chuyện kỳ tài, làm say mê nhiều thế hệ độc giả. Tương truyền, khi các nhà sách tổ chức buổi đọc truyện do chính Dickens thực hiện, nhiều độc giả đã lặn lội từ thôn quê lên thành phố, mang theo chăn màn và đến từ đêm trước để… xí chỗ…

Là tác giả của những cuốn tiểu thuyết bất hủ: “Oliver Twist”, “David Copperfield”…, đến nay, Dickens vẫn là một trong những nhà văn Anh được đọc nhiều nhất trên thế giới. Tạp chí Ogonek của Nga cách đây ít lâu đã xếp ông đứng thứ hai (sau William Shakespeare) trong danh sách 10 nhà văn có tác phẩm được dựng thành phim nhiều nhất. Tuy còn gây tranh cãi, nhưng hiện cũng đã có ý kiến cho rằng, chính Dickens chứ không phải ai khác mới là “cha đẻ của tiểu thuyết trinh thám hiện đại”.

Charles Dickens sinh ngày 7 tháng 2 năm 1812 tại ngoại ô thành phố Portsmouth, trong một gia đình nghèo, đông con. Năm Dickens được 5 tuổi, bố mẹ ông đưa cả nhà chuyển đến Chatham, gần thủ đô London. Lúc này, kinh tế của gia đình Dickens đã vào hồi sa sút. Năm 1822, bố của Dickens, vốn là một viên chức kho bạc của Bộ Hải quân đã bị tống giam vì nợ nần không có khả năng chi trả. Mấy mẹ con rơi vào cảnh túng quẫn, không có miếng ăn. Đã có lúc cậu bé 10 tuổi là Dickens khi ấy phải đem những cuốn sách thân thiết nhất của mình đi bán.

Tình cảnh càng trở nên bi đát khi một ngày nọ, mẹ của Dickens dắt theo bốn người em của Dickens vào tù ở với chồng. Dickens cũng theo mẹ vào ở đây, nhưng chỉ là ban ngày, còn tối đến, cậu quay về căn gác thượng tồi tàn của gia đình để trông nom hai đứa em khác. Rồi thì Dickens cũng được nhận vào làm ở một hãng xi đánh giày… Có thể nói, Dickens là một nhà văn không có tuổi thơ. Tất cả những nỗi vất vả, khổ tủi ấy sau này đã được ông ghi lại sâu đậm trong những tiểu thuyết trứ danh…  

Trong suốt cuộc đời, Dickens chỉ có chưa đầy bốn năm được đi học (từ năm ông 12 tuổi đến năm 16 tuổi; khi ấy, bố ông – may nhờ được thừa kế gia tài của một người trong họ nên đã trang trải được nợ nần, thoát cảnh tù tội). Năm 17 tuổi, Dickens được nhận vào làm tốc ký cho một tờ báo, với việc chuyên ghi lại những buổi tranh luận ở nghị trường. Ba năm sau, Dickens chính thức trở thành phóng viên tốc ký cho tờ Tấm gương Quốc hội. Với Dickens, đây chỉ là việc làm có tính chất mưu sinh, chứ thực tế, ông không mấy thích thú với công việc này. Tuy nhiên, thời gian làm báo đã giúp Dickens có điều kiện vào Thư viện Anh, một thư viện lớn nhất thế giới lúc bấy giờ để đọc sách và tra cứu. Hứng sáng tác đến với ông từ ngày đó.

Dickens viết văn trong tâm thế hết sức “rón rén”. Bản thảo đầu tiên được gửi đi, tác giả trẻ phải chờ cho bóng tối đổ xuống mới dám bỏ vào thùng thư, sợ ai đó trông thấy hành động “to gan” của mình. Truyện đầu tiên của Dickens được in khi ông mới 20 tuổi. Sau này, Dickens tiết lộ, niềm vui sướng đã khiến ông trào nước mắt. Ngay hôm nhận được tin vui ấy, ông đã đi lang thang nhiều giờ, hết từ phố này sang phố khác.

Thoạt đầu, tòa soạn không trả cho tác giả trẻ một đồng nhuận bút nào. Cả tới khi Dickens gửi in thêm 7 truyện ngắn nữa cũng vậy. Và khi ông được tòa soạn chấp thuận trả tiền thì số nhuận bút cho tất cả 8 truyện cũng chỉ vẻn vẹn 8 bảng Anh. Điều khôi hài là sau này, khi Dickens qua đời rồi, đã có thời điểm, người thừa kế của ông được lĩnh nhuận bút ở mức kỷ lục: 3 bảng  Anh cho… mỗi chữ.

Cuốn sách đầu tay của Dickens được xuất bản năm 1836, cuốn “Những bức phác thảo của Boz”, khi ông 24 tuổi. Tiếp theo là cuốn sách có sức hấp dẫn đặc biệt với đông đảo công chúng Anh thời ấy: Cuốn “Chuyện phiêu lưu của Pickwick”. Mặc dù từng trải qua những năm tháng sống bần hàn, cơ cực dưới đáy xã hội, song ngay từ tác phẩm đầu tay, ở Dickens lại toát lên chất dí dỏm, hài hước rất thu hút độc giả. Cho đến năm 1838, khi tiểu thuyết “Oliver Twist” được lần lượt đăng tải trên một tạp chí thì tên tuổi Dickens đã trở nên quá nổi tiếng.

Tiểu thuyết “Oliver Twist” được xây dựng trên nền một vụ án có thật từng gây chấn động dư luận thời ấy: Vụ giết hại Eliza Grimwood, một gái làm tiền. Trong tiểu thuyết của Dickens, “nguyên mẫu” Grimwood được đặt tên là Nancy. Tiểu thuyết cho độc giả biết rõ ai đã ra tay sát hại Nancy, trong khi thực tế, vụ giết hại Grimwood đã rơi vào bế tắc vì các nhà điều tra không xác định được đích xác ai là hung thủ. Sinh thời, đã có nhiều nhà nghiên cứu văn học lên tiếng chỉ trích Dickens đã miêu tả vụ việc quá rùng rợn (khi Nancy bị giết, máu vấy cả lên mình con chó vẫn thường đi theo hung thủ). Dickens rất không hài lòng với nhận xét này. Gần đây, nhà văn Rebecca Gowers, trong một nghiên cứu về Dickens đã khẳng định: So với thực tế, Dickens không hề cường điệu chút nào, nếu không muốn nói là ông còn lược bớt một số tình tiết để vụ việc bớt kinh hoàng.

Đỉnh cao trong sự nghiệp sáng tác của Dickens là tiểu thuyết “David Copperfield” (được xuất bản lần đầu năm 1850). Cùng với “Oliver Twist”, đây được xem là một trong hai cuốn sách tiêu biểu của Dickens, đồng thời cũng được xếp vào hàng “kinh điển” của văn chương thế giới. Cuốn tiểu thuyết mang nhiều yếu tố tự truyện. Tác phẩm kể về cuộc đời của David Copperfield từ thuở ấu thơ tới khi trưởng thành, với nhiều va đập khắc nghiệt. Năm 1867, trong lời tựa cuốn sách khi tái bản, Dickens đã thổ lộ: “Như các bậc cha mẹ nâng niu con cái, tôi ôm ấp trong trái tim mình một đứa con tinh thần đặc biệt. Và tên của đứa bé là David Copperfield”.

Như ở phần đầu bài đã nói, Dickens là một trong những nhà văn có tác phẩm được dựng thành phim nhiều nhất (tính đến nay là 287 lần). Một trong những tác phẩm được chuyển thể nhiều là cuốn “Quà tặng Giáng sinh”. Cuốn sách mỏng mảnh (kể về nỗi dằn vặt của một người đàn ông cho vay nặng lãi khi đêm trước của Giáng sinh đã gặp phải những bóng ma của quá khứ, cảnh đói rét, bệnh tật bủa vây quanh mình…) đã tạo nên một dư chấn trong công luận. Chuyện kể rằng, khi sách được phát hành, bất kỳ người Anh nào gặp nhau trên đường đều hỏi nhau đã đọc cuốn đó chưa? Và đa phần đều đáp: “Có, tôi đọc rồi, cầu Chúa phù hộ cho ông ấy”. Hiện cuốn sách đã được dịch ra hầu khắp các ngôn ngữ trên thế giới.

Trong hai tháng cuối năm 2009, theo chân đạo diễn người Anh Paul Stebbings và một số diễn viên của Nhà hát TNT (Anh), một vở nhạc kịch được chuyển thể từ tác phẩm này của Dickens đã đến với khán giả Việt Nam, trước tiên là ở TP Hồ Chí Minh, rồi ra Huế, Đà Nẵng và cuối cùng là tới Hà Nội. Vở nhạc kịch sau đó còn được công diễn tại một số nước ở Đông Nam Á. Tại London, tài tử điện ảnh Jim Carrey cũng tỏ ra rất hào hứng khi được tham gia bộ phim phỏng theo nội dung cuốn sách này của Dickens. Bà Lucinda Dickens Hawsksley, một người chắt của văn hào Dickens kể rằng, đó là cuốn sách mà bà yêu thích nhất. Bà thường đọc lại nó mỗi dịp Giáng sinh và ngạc nhiên nhận thấy, ngay cả những cháu bé cũng thích cuốn sách này.

Trở lại với một đôi tình tiết chính yếu trong cuộc đời Dickens. Có thể nói, mặc dù vinh quang đến với Dickens từ rất sớm, song chuyện gia đình của ông không được như mong đợi. Sau thành công của tác phẩm “Chuyện phiêu lưu của Pickwick”, Dickens từ giã nghề phóng viên tốc ký, trở thành một nhà văn chuyên nghiệp. Trong năm này, ông kết hôn với cô Catherine Hogart, con gái ông chủ bút tờ Tin tức buổi chiều.

Cuộc hôn nhân của Dickens được xem là một sai lầm trong đời ông, mặc dù nó kéo dài tới 23 năm và hai người đã có với nhau tới 10 mặt con. Gần như rất ít tình thương yêu giữa hai vợ chồng. Đặc biệt, mọi việc trở nên tồi tệ khi một ngày nọ, bà Catherine phát hiện chồng mình đặt một chuỗi hạt tặng cho người tình là Nelly Ternan, một diễn viên kém ông tới 27 tuổi. Cũng thời gian này, gia cảnh của Dickens ngày một lâm vào khốn khó, dù tên tuổi của Dickens đã lừng vang khắp thế giới. Không những vậy, không khí trong gia đình Dickens luôn nặng nề. Sau này, một người con của ông đã kể lại rằng, sáng nào cũng vậy, Dickens làm một vòng “kiểm tra” phòng ngủ của các con rồi để lại mẩu giấy ghi lời quở trách nghiêm khắc. Lắm lúc, ông “đón” chúng bằng cặp mắt nảy lửa. Việc “dân số tăng nhanh” cũng khiến tính tình ông thêm bẳn gắt. Cứ sau mỗi lần một cô cậu ra đời, Dickens lại đổ hết tội lỗi cho sự “mắn đẻ” của vợ. Không ít lần, trước mặt quan khách, ông quở mắng vợ mình là “ngực to đầu nhỏ”. Và cuối cùng, khi mà mọi sự  không thể tiếp tục kéo dài hơn được nữa, Dickens phải đi đến một hành động được coi là xìcăngđan thời ấy: Thông báo trên báo chí việc vợ chồng ông không sống chung với nhau.

Văn hào Charles Dickens qua đời ngày 9 tháng 6 năm 1870. Tương truyền, khi đi phố về, ông thấy chân tay bủn rủn, mồ hôi vã ra như tắm. Người em gái thấy vậy, khuyên anh trai đi nằm một lát cho đỡ mệt. Ông lẩm bẩm: “Phải rồi, nằm xuống đất!”. Sau câu nói này, ông vĩnh viễn ra đi.

Theo Công an nhân dân

Đánh giá

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.