Công cuộc đổi mới (1986) đã đem đến cho văn học Việt Nam nói chung và thơ ca nói riêng những đổi thay rất lớn trong việc khám phá và phản ánh hiện thực – hiện thực đời sống, hiện thực tâm trạng. Khái niệm đổi mới là một tiêu chí được đề cao trong xã hội ngày nay. Để có sự vận động và phát triển, thơ cũng không nằm ngoài quy luật đó. Lớp trẻ xuất hiện sau 1975, đặc biệt là từ sau năm 1985 chiếm số lượng rất đông đảo, tạo thành một mặt bằng mới, rộng rãi cho sự phát triển của thơ hôm nay. Hơn nửa số thơ đã xuất bản là của các tác giả thuộc thế hệ này. Điểm nổi bật ở các sáng tác của họ là sự đa dạng, trẻ trung, tươi mới và giàu chất trí tuệ. Nhiều người quan tâm đến thơ cho rằng trong thời gian tới một tiếng thơ có sự thay đổi thực sự về nội dung và giọng điệu sẽ thuộc về lớp các nhà thơ trẻ này. Họ thực sự là những người làm chủ thi đàn đương đại.
Đội ngũ đông đảo, đây đó có những tác giả có phong cách và giọng điệu riêng, nhưng chọn ra được một vài tác giả nổi bật, được giới nghiên cứu phê bình và người đọc công nhận, đồng thuận trong đánh giá là điều không phải dễ. Còn rất nhiều điều phải bàn bạc, tranh luận, nhưng đi vào thực tiễn của đời sống thơ ca vẫn thấy có sự vận động trong chiều sâu của nó. Có thể thấy rằng thơ trẻ đang cố gắng để khác các thế hệ đi trước. Cái mạnh của lớp trẻ hôm nay là họ đang tạo ra một không khí dân chủ trên thi đàn với nhiều giọng điệu, nhiều khuynh hướng. Họ được tự do trong cảm xúc, trong các cách thể hiện. Hầu như đối với họ không có điều gì là cấm kỵ, không có điều gì phải né tránh. Dễ nhận thấy một điều rằng, những người làm thơ trẻ hôm nay hướng sự chú ý của mình vào việc khai thác tâm trạng cá nhân. Họ tinh tế, nhạy bén với những cảm xúc riêng tư, đơn lẻ nhưng ít khi mở ra, vươn tới những vấn đề xã hội rộng lớn. Những vấn đề quan thiết của đời sống cộng đồng ít có tác động đến những bài thơ của họ. Nhìn vào những người làm thơ trẻ hôm nay, thấy rõ một điều là họ đang cố gắng tìm cách phô diễn những xúc cảm của mình bằng những hình thức nghệ thuật có nhiều tìm tòi đổi mới.
Nhìn lại những cuộc lên đường trong tiến trình thơ Việt Nam hiện đại, chúng ta nhận thấy vai trò to lớn của những người trẻ. Ở những người viết trẻ thường tiềm ẩn một sức bật lớn, một khả năng dồi dào trong sự tiếp cận và sáng tạo cái mới. Khi văn học bước vào guồng quay hội nhập thế giới, khi những trào lưu văn học của nước ngoài có sự giao lưu với văn học trong nước thì người viết trẻ bao giờ cũng là người tiếp cận nhanh nhất. Ngoài tác động của yếu tố thời đại, họ còn là lớp người năng động, sáng tạo, thích tìm tòi khám phá những điều mới lạ. Sự tham gia của các cây bút trẻ vào cuộc chơi mạo hiểm này khiến người ta có thể nghĩ nhiều hơn tới triển vọng của thơ đương đại. Chính kinh nghiệm từ phong trào Thơ mới đã cho chúng ta bài học: để tạo một cuộc cách mạng trong thi ca, cần trông chờ vào những người trẻ tuổi. Ta có thể nhận ra sự tương ứng trong quá trình vận động của Thơ mới và thơ hôm nay. Người đầu tiên đột phá vào bức tường thành của thơ cũ là Phan Khôi với thi phẩm Tình già – một người đã ở độ tuổi trung niên, gốc nhà Nho, nhưng đem đến cho Thơ mới sự chiến thắng thật sự lại là những trí thức Tây học còn rất trẻ như: Chế Lan Viên (17 tuổi xuất bản Điêu tàn), Xuân Diệu (22 tuổi đã có Thơ thơ), Huy Cận (21 tuổi có Lửa thiêng), Nguyễn Bính (22 tuổi có Lỡ bước sang ngang)… và liệu có thể kì vọng vào các nhà thơ trẻ hiện nay sẽ là người đi đến đích trong phong trào thơ mới?
Mỗi một nỗ lực cách tân đều có cơ sở triết học, mỹ học riêng của nó, được thể hiện ở những quan niệm và phương thức biểu hiện của mỗi cá nhân. Thơ Việt Nam đã có nhiều nỗ lực cách tân với nhiều khuynh hướng. Thơ mới trước đây ảnh hưởng từ thơ ca lãng mạn, tượng trưng Pháp đã tạo ra cuộc cách mạng thơ ca vượt ra khỏi những sáo mòn, khuôn thước truyền thống. Thơ trẻ hôm nay cũng với mong muốn bứt phá khỏi những giá trị truyền thống đã tiếp thu ảnh hưởng từ những trường phái, khuynh hướng khác nhau: Chủ nghĩa Tượng trưng siêu thực, Chủ nghĩa Hiện sinh, Chủ nghĩa Hình thức, Chủ nghĩa Hậu hiện đại và gần đây nhất là chủ nghĩa Tân Hình thức. Song dù theo trường phái, khuynh hướng nào thì chúng ta cũng nhận thấy một xu thế đang ngày càng được khẳng định và mở rộng trong thơ Việt Nam đương đại là tính hiện đại. Khái niệm tính hiện đại thường đưa đến sự nhầm lẫn và ngộ nhận về hướng đi của thơ ca trong thời đại mới. Một bên là hướng đi tìm tòi, sáng tạo nhằm tạo ra những phẩm chất mới cho thơ, phản ánh được đầy đủ cái mới trong cuộc sống hiện tại. Một bên là khuynh hướng “phản thơ”, mượn danh nghĩa sáng tạo để khởi xướng những lý thuyết kì quái, cực đoan, xa lạ với thơ ca và thị hiếu thẩm mĩ lành mạnh. Tính hiện đại trong thơ khác về bản chất với chủ nghĩa hiện đại trong thơ. Từ “hiện đại” chúng ta quen dùng dường như để chỉ khái niệm thời gian hơn là khái niệm chủ nghĩa. Tính hiện đại trong thơ Việt trẻ thể hiện ở ý thức sáng tạo và tinh thần thể nghiệm. Ý thức sáng tạo giúp các nhà thơ trẻ tránh được những lối mòn khuôn sáo và ý thức hơn về bản chất sáng tạo của mình. Mỗi nhà thơ đều cố gắng khai phá những vùng đất riêng.
Sáng tạo nghệ thuật nói chung, thơ ca nói riêng luôn vận động không ngừng nghỉ. Sự chuyển động ấy chính là lẽ sống của nghệ thuật. Mỗi sự chuyển động biến thiên của văn hóa đều có động lực của nó. Trong văn học Việt Nam, có thể quan sát thấy dấu ấn của Chủ nghĩa hiện đại từ trước 1945. Trong một số sáng tác của Hàn Mặc Tử, Bích Khê, nhóm Xuân Thu Nhã Tập, nhóm Dạ đài… đã xuất hiện các yếu tố của Chủ nghĩa tượng trưng, siêu thực. Song những biến động lịch sử đã không tạo điều kiện cho những thể nghiệm đó được phát triển tự nhiên, khiến cho những dấu hiệu của chủ nghĩa hiện đại trong Thơ mới chưa trở thành một khuynh hướng. Mặc dù bị đứt đoạn nhưng cái hướng đi ấy vẫn có một mạch ngầm kết nối trong lịch sử thơ ca. Đến thời kì đổi mới, những dấu hiệu này đã xuất hiện trở lại, mạnh mẽ hơn. Các trào lưu, khuynh hướng của chủ nghĩa hiện đại được thể hiện trong thơ hiện nay phần nhiều không còn ở dạng “nguyên bản” như khi xuất hiện ở phương Tây mà đã bị “phá vỡ”.
Những năm đầu sau đổi mới 1986, những thể nghiệm cách tân, hay khuynh hướng hiện đại hóa thơ ca vẫn chưa thu hút được nhiều cây bút tham gia. Hầu hết các cây bút vẫn tiếp nối mạch thi pháp truyền thống và mới chỉ có một nhóm nhỏ quyết tâm đổi mới thơ mạnh mẽ. Một số cây bút đã nỗ lực phá vỡ hệ thống qui phạm chi phối văn học suốt 30 năm chiến tranh, thậm chí còn tiếp tục ảnh hưởng đến văn học những năm sau đó như một quán tính. Có nhà nghiên cứu gọi đó là quá trình “phi sử thi hóa” văn học. Khuynh hướng này đưa văn học thâm nhập sâu hơn vào những khía cạnh bộn bề và phức tạp của đời sống và tinh thần con người, đặc biệt ở những vấn đề của con người cá nhân. Sự xuất hiện của những thể nghiệm phá cách mang tính tự giác trong thơ hiện nay báo hiệu những nguyên tắc thi pháp cũ cho đến giờ vẫn chi phối dòng chủ lưu của thơ ca đương đại đã đến lúc cần bị phủ định vị thế độc tôn của nó.
Các tác giả của xu hướng cách tân thơ hiện nay có thể chia làm hai nhóm: nhóm thứ nhất là những cây bút đã có quá trình sáng tác từ trước 1975 như: Hoàng Cầm, Lê Đạt, Trần Dần, Đặng Đình Hưng, Dương Tường, Hoàng Hưng, … Họ được coi là những người đầu tiên đánh dấu sự xuất hiện của một dòng thơ mới gây nhiều tranh cãi. Phần lớn tác phẩm của họ được sáng tác khá lâu trước thời kì đổi mới. Những tác phẩm mang dấu ấn siêu thực của Hoàng Cầm ra đời từ đầu những năm 60 (Lá diêu bông, Mưa thuận thành, Về Kinh Bắc…); Trần Dần viết Mùa sạch khoảng năm 1964 – 1965; Lê Đạt viết các bài thơ mang dấu ấn hậu hiện đại từ những năm 70, sau này được in trong tập 36 bài tình, Bóng chữ… Những tác giả, tác phẩm này đã trở thành tiêu điểm cho những cuộc tranh luận sôi nổi đầu tiên về thơ hiện đại vào khoảng những năm từ 1993 đến 1995. Nhóm thứ hai là những cây bút xuất hiện và trưởng thành sau 1975 như: Nguyễn Quang Thiều, Dương Kiều Minh, Nguyễn Lương Ngọc, Mai Văn Phấn, Trần Anh Thái, Nguyễn Quyến, Dư Thị Hoàn, Tuyết Nga, Trần Quang Đạo, Đặng Huy Giang,… Sau đó những cây bút đương đại được nhắc đến nhiều nhất có thể kể đến: Vi Thuỳ Linh, Phan Huyền Thư, Ly Hoàng Ly, Văn Cầm Hải, Nguyễn Hữu Hồng Minh, Lê Vĩnh Tài, Nguyễn Vĩnh Tiến, Trương Quế Chi,… Hầu hết các tác giả này còn rất trẻ, khoảng trên dưới 20 tuổi vào thời điểm họ xuất bản các tập thơ đầu tay của mình. Quan sát trên thi đàn Việt những năm gần đây có thể thấy các tác giả trẻ đang khao khát thể hiện tiếng nói của thế hệ mình như một giá trị. Giá trị ấy được đảm bảo bằng cái mới, cái hiện đại trong quan niệm về thơ, trong giọng điệu, bút pháp, hình thức thể hiện… Dù có thể những tìm tòi, cách tân chưa trở thành xu hướng chủ đạo, chưa dễ tìm được sự đồng thuận trong đánh giá và tiếp nhận của người đọc nhưng vẫn có thể cảm nhận được một nguồn sinh lực mới đang tiềm ẩn trong thơ hiện nay.
Tuyển tập 26 nhà thơ Việt Nam đương đại (Nxb. Hội Nhà văn, 2002) đã cho thấy một thực tế rằng hầu hết các nhà thơ đang nỗ lực cách tân, đi tìm cái mới lạ, thay đổi những biểu tượng thơ ca cũ để xây dựng một “chủ nghĩa trữ tình” mới. Tìm đến cái mới là khát vọng của bất cứ người nghệ sĩ nào. Đó vừa là khát vọng vừa là thử thách đặt ra cho các nhà thơ trên con đường sáng tạo. Thời gian và công chúng sẽ là những thước đo công bằng và đúng đắn nhất. Cái mới thực sự từ nội tại của một nền thơ, thông qua quá trình tiếp biến, kế thừa và phủ định. Thơ ca luôn luôn cần một cuộc “cách mạng” mới do chính những con người của thế hệ mới thực hiện nhằm tạo ra một thời kì mới, mang hơi thở của thời đại mới.
(Bài đã đăng Văn nghệ Trẻ)
Theo Phongdiep.net