Nghiên cứu hậu thực dân ở Việt Nam – Kì II

Kỳ II: Triển vọng của nghiên cứu hậu thực dân ở Việt Nam

Thực hành nghiên cứu hậu thực dân ở Việt Nam, nếu dẫn chiếu đến lịch sử một cách khắt khe, sẽ vấp phải khó khăn bởi sự đan xen của các hình thức thực dân chủ nghĩa và sự áp đặt quyền cai trị của thực dân phân hóa theo từng khu vực lãnh thổ và theo suốt thời gian xảy ra các quá trình thực dân hóa. Do đó, biểu hiện của chủ nghĩa hậu thực dân ở Việt Nam, dẫn theo đó là các thực hành nghiên cứu, chúng tôi cho rằng, bắt buộc phải tính đến: 1/ sự xúc tiếp Đông–Tây như là không gian những biểu thuật hậu thực dân; 2/ những biểu thuật mang tính hậu thực dân; và 3/ vấn đề ý hệ của haậu thực dân (ideologies of the postcolonial) trong các biểu thuật ấy. Kiến trúc–xây dựng, thiết chế chính trị, cấu trúc văn hóa xã hội, khoa học tự nhiên và công nghệ, khoa học xã hội và nhân văn, nhất là lịch sử và ngữ văn,… luôn là những lĩnh vực cung cấp sinh động những biểu thuật này.

Những biểu thuật hậu thực dân trong sự định hình bản sắc dân tộc là vấn đề lớn đầu tiên mà nghiên cứu hậu thực dân ở Việt Nam có thể khai triển. Bởi ngay từ rất sớm, khi đánh đuổi được thực dân Pháp, những biểu thuật mà tri thức và quyền lực phương Tây, hay xuất phát từ ý thức chống lại những di sản thực dân hóa, áp đặt các kiến tạo dân tộc Việt Nam đã mang tính chất hậu thực dân một cách rõ nét, nhất là trong khoa học lịch sử và trong khoa ngữ văn học, (và ở đây, chúng tôi cũng chỉ lược giản về hai lĩnh vực chuyên môn này). Bởi việc tạo ra một hình dung mới về lịch sử dân tộc, văn hóa và văn hiến dân tộc cùng những nỗ lực cổ động cho cuộc đấu tranh chống lại những di hại của thực dân (trong thời gian 1954-1975, còn góp phần trực tiếp vào cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân mới của Mỹ) luôn là nhiệm vụ hàng đầu của các trí thức hoạt động trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn. Ở đây, ngoài ý thức tự phát dẫn đến sự chống lại ảnh hưởng thực dân, người Việt Nam, dưới sự cổ động của đảng Cộng sản, còn có một bệ đỡ lý thuyết đồ sộ của chủ nghĩa Marx–Lenin về vấn đề đấu tranh giải phóng dân tộc. Đó là lý do dẫn đến thực tế viết lại (rewrite) lịch sử dân tộc trong những năm đầu của nền hòa bình mới ở miền Bắc, vừa theo một mô hình diễn giải lịch sử mới vừa khước từ mô hình diễn giải của thực dân Pháp hòng lấp đầy vào sự thiếu vắng các bộ sử cổ trung đại và cận hiện đại, một hình thức “sáng tạo” ra quá khứ dân tộc theo cách nói của Pelley trong công trình độc đáo của bà. Ở miền Nam, tình trạng chia cắt và sinh hoạt chính trị dưới một thể chế khác cũng dẫn tới những xu hướng diễn giải lịch sử gần như là hoàn toàn trái ngược với miền Bắc xã hội chủ nghĩa mà trường hợp Tây Sơn và nhà Nguyễn là những ví dụ điển hình. Điều này tương đối dễ hiểu, bởi so với các bộ môn khoa học xã hội khác, lịch sử, nơi nhân vật và sự kiện khó lòng bị bôi xóa, luôn là nơi thể hiện sinh động nhất chủ nghĩa dân tộc trong cách thức các sử gia xoay sở với quá khứ để phục vụ cho mục đích diễn giải của mình.

Chủ nghĩa dân tộc (mà chủ yếu là dân tộc bài thực) cũng thể hiện rất sâu đậm trong sáng tạo và diễn giải văn học. Có lẽ hơn đâu hết, văn học Việt Nam giai đoạn 1945–1975 (thậm chí kéo dài đến trước thềm Đổi mới), có sự phổ biến của diễn ngôn văn học phục vụ chính trị, nhà văn là người chiến sỹ trên mặt trận văn hóa tư tưởng còn sáng tác văn học là vũ khí chiến đấu và chiến thắng kẻ thù. Văn học chiến tranh và cách mạng miền Bắc suốt 30 năm chống Pháp và chống Mỹ đã ghi lại sâu sắc ý chí, tinh thần và chủ nghĩa dân tộc Việt Nam. Nếu xét ở những thành quả bài thực mà nó tạo được, rõ ràng đây là giai đoạn mà văn học và nhà văn đã hoàn thành tốt nhất sứ mệnh của mình. Ở trong khu vực đô thị miền Nam, ngoài bộ phận nhà văn nằm vùng hay khuynh tả, tình hình phân hóa phức tạp hơn rất nhiều trong cách thức người ta mô phỏng Pháp bài Mỹ, mô phỏng Mỹ bài Pháp, mô phỏng phương Tây tư bản bài Cộng sản,… Bởi như đã nói, sự phức tạp trong nghiên cứu hậu thực dân ở Việt Nam nếu xuất phát từ vấn đề thời gian và vùng miền chịu sự áp chế của quyền lực thực dân thì đô thị Sài Gòn hiện lên như một giao hội của rất nhiều quá trình và loại hình thực dân hóa. Tuy nhiên, mới chỉ sau hơn 30 năm, tư liệu về văn học khu vực này đã bị tàn khuyết quá nhiều, có lẽ phải nhanh chóng tiến hành phục dựng diện mạo của nó để có thể có được cái nhìn chính xác, đồng thời đúc rút được bài học kinh nghiệm cho việc đối diện với di sản hậu thực dân hôm nay và trong tương lai.

Cùng với việc thoát khỏi ách thống trị của chủ nghĩa thực dân, sự tham gia vào đời sống thế giới từ Đổi mới, những giao lưu và tiếp biến văn hóa rộng mở cũng dần góp phần dân chủ hóa đời sống học thuật, làm giảm đi những cái nhìn máy móc, định kiến và mở ra những hướng tiếp cận công bình và trung thực hơn với quá khứ dân tộc. Một công cuộc tái diễn giải về quá khứ lại được khởi động, trong sử học, ấy là việc tiếp tục viết lại các bộ sử, thay đổi cách tiếp cận và cái nhìn trước kia đã bị thiên lệch vì mục đích có tính lịch sử cụ thể (như tái nhìn nhận về triều Nguyễn chẳng hạn). Ở văn học, đó là việc viết lại lịch sử văn học, định giá các tác gia tác phẩm quá khứ trong diễn giải và mở ra những tiếp cận mới trong sáng tạo, mà những thành tựu của văn học hậu chiến và văn học nông thôn là những minh chứng thuyết phục cho sự thay đổi về mặt quan niệm nghệ thuật này.

Có thể nói, chỉ nghiên cứu những biểu thuật mà di sản hậu thuộc để lại như chỉ ra ở trên đã là một mảnh đất mầu mỡ cho nghiên cứu hậu thực dân ở Việt Nam. Tuy nhiên, khi lý thuyết hậu thực dân còn chưa đông cứng lại, việc tìm hiểu mối tương tác giữa lý thuyết và thực tại sẽ đem lại những gợi ý bổ ích, nhất là cho những suy tư lý thuyết, cái còn thiếu vắng trong khoa học văn học Việt Nam hiện nay. Khảo sát các sáng tạo và diễn giải văn học đương đại, do đặc điểm của trí thức, văn hóa và xã hội, ở Việt Nam, chủ nghĩa hậu thực dân hiện nay, theo chúng tôi, nổi bật ở ba vấn đề: quyền năng tri thức, tiếng nói ngoại biên và chủ nghĩa dân tộc. Thực tiễn sáng tác và diễn giải văn học nghệ thuật hầu như bị quy chiếu bởi những vấn đề này.

Quyền năng tri thức (power [of/] knowledge) ở Việt Nam hiện nay xuất hiện đồng thời hai đối kháng: thứ nhất, giữa quốc gia như là phương Đông, ngoại biên (tức tri thức bản địa) với thế giới tư bản như là trung tâm (tri thức khoa học); thứ hai, ngay trong quốc gia, giữa trung tâm quyền lực (và hệ thống tri thức duy nhất đúng/ được lựa chọn đúng của nó) với các tri thức bên lề, phi chính thống.

Tiếng nói ngoại biên (marginal voices) nảy sinh từ bối cảnh trên, trong một bộ phận trí thức (gồm cả văn nghệ sĩ) không (chịu) nằm trong sự kiểm soát/sản xuất tri thức (control/production of knowledge) của quyền lực chính thống. Có hai nguyên nhân dẫn tới điều này, thứ nhất là sự tiếp cận với tri thức đương thời, nhất là với các tri thức phi Marxist, các tri thức thời thượng khẳng định sự tan rã của nhất thể hóa và hợp thức hóa quyền lực và tri thức; sau nữa, là sự khẳng định vị thế trí thức đối với xã hội và quốc gia – dân tộc, nói như Said, “vai trò quần chúng của các nhà văn và các nhà trí thức”.

Chủ nghĩa dân tộc (nationalism) là sự phát triển ưu trội từ nguyên nhân thứ hai ở trên, thậm chí đó cũng là phong trào phát triển mạnh mẽ ở châu Á và có sức ảnh hưởng lớn lao. PGS Vũ Tường tại đại học Oregon, Mỹ, cho hay, có ba nguyên nhân dẫn tới phong trào này: 1/ Liên quan đến việc chiến tranh Lạnh chấm dứt; 2/ Sự phát triển mạnh mẽ của Trung Quốc trong ba thập kỷ vừa qua; 3/ Tự do hóa chính trị (Việt Nam và Trung Quốc trong thời đổi mới, “tự do hóa chính trị gắn với quá trình đổi mới kinh tế từ bao cấp sang thị trường”). Ở Việt Nam, đã có sự xuất hiện các văn nghệ phẩm và các văn nghệ sĩ sáng tác và hoạt động nghệ thuật theo chiều hướng này.

Trên đây là ba khuynh hướng cơ bản, đã và chắc chắn sẽ còn phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới. Có mấy nguyên nhân dẫn tới sự ra đời và phát triển của những khuynh hướng trên, cũng như hậu thuẫn cho khẳng định này của chúng tôi, đồng thời là xu thế mở ra viễn tượng của nó: Thứ nhất, tính từ Đổi mới cho đến thời điểm này, nhất là trong thập niên trở lại đây, hoạt động diễn giải văn học nghệ thuật đã có nhiều cơ hội tham chiếu thực tiễn nghiên cứu và các trào lưu lý thuyết trên thế giới thông qua hoạt động dịch thuật. Thứ hai, sự phát triển đồng thời (và bình đẳng) của văn học nghệ thuật Việt Nam trên trường quốc tế diễn ra nhiều hơn ở các hành động nghệ thuật (art active), nhất là ở nghệ thuật thị giác (Visual Arts) và nghệ thuật cộng đồng (Community Arts). Sự phát triển của loại hình nghệ thuật tiên phong và đương đại này thể hiện xu hướng tác động xã hội rõ nét. Chắc chắn, định hướng tác động xã hội của các tác giả mới xuất hiện này sẽ có được sự ủng hộ của các trí thức trẻ, người tiếp nhận đồng thời cũng là người cùng suy tư với họ về các vấn đề thiết thân của sự khẳng định cá tính và trách nhiệm cộng đồng.

Thực tế là, một cách phổ biến, diễn ngôn hậu thực dân trong bối cảnh toàn cầu hóa phải được diễn giải đồng thời với các biểu hiện của liên văn hóa (interculturalism) và lai ghép văn hóa (cultural hybrid). Cả hai chiều hướng được nghiên cứu đều xuất phát từ các đối thoại văn hóa (cultural dialogism) theo đề xuất của M.Bakhtin nhưng được các nhà lý thuyết hậu thực dân diễn giải theo những cách thức khác nhau. Điều này dẫn đến việc cần phải tìm hiểu các vấn đề thuộc về căn cước cộng đồng, và đặc biệt, cộng đồng tưởng tượng (Imagined Communities) như là quốc gia tưởng tượng (Imagined Nation), tức một quốc gia đã bị giải lãnh thổ (deterritoriality). Đó là các khả thể mà ngành nghiên cứu hậu thực dân có thể vươn tới. Cuối cùng, nhưng là một thách thức cho việc dự đoán những thoái triển của diễn ngôn hậu thực dân: nguy cơ hình thành chủ nghĩa thực dân lần thứ ba khởi phát bởi các vấn đề của an ninh lương thực. Khủng hoảng lương thực là nguy cơ tiềm tàng để thế giới thứ ba (Third World) đi từ một di sản giải thực (anti-colonialism) qua di chứng hậu thực dân chủ nghĩa (postcolonialism) đến một thực trạng chấp nhận tự phụ thuộc, tức là một lần nữa thuộc địa hóa (colonialization). Minh chứng cho việc này không chỉ là những chính sách “đổi dầu lấy lương thực” mà là “mua/thuê đất nông nghiệp”. Việt Nam là nước vừa thuộc diện đi thuê đất vừa nhượng đất và phải đối mặt với sự khủng khoảng đồng thời của cả an ninh lương thực, an ninh năng lượng và biến đổi khí hậu. Thật khó lòng để không thể nghĩ đến tình hình phức tạp ở Bắc Phi và Trung Đông như một dẫn dụ về điều này! Có hay không viễn tượng tái thuộc địa hóa? Đặc biệt là trong tương lai bấp bênh của toàn cầu hóa khi “bảo trợ thương mại” vẫn là nguyên nhân ngăn cản “tự do thương mại” như là yếu tố đầu tiên và quan trọng nhất của toàn cầu hóa? Theo đó, theo cách nói của Lyotard, sáng tạo và diễn giải văn học nghệ thuật sẽ như thế nào trong tình cảnh này? Và nữa, “biết điều gì đó về xã hội nghĩa là trước hết lựa chọn cách nêu câu hỏi, cũng là cách mà nó có thể đưa lại câu trả lời”, nếu là một ý hệ của nhà văn, thì có thể có tương lai cho sáng tạo và diễn giải văn học nghệ thuật? Câu trả lời, nói như các nhà lý thuyết hậu thực dân, phụ thuộc phần lớn vào tâm thái của trí thức.

Đoàn Ánh Dương

Nguồn: văn nghệ Trẻ.

Đánh giá

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.