Những ám ảnh quá khứ trong “Ba người khác”

Những ám ảnh quá khứ trong “Ba người khác”

Văn học Việt Nam đương đại đã chứng kiến sự ra đời và phát triển của những khuynh hướng văn học viết về đề tài mới trong đó có văn học vết thương. Đây vốn là mảng đề tài nhạy cảm và bị né tránh trong một thời gian dài nhưng dường như với sự xuất hiện của hàng loạt tác phẩm của các nhà văn quen thuộc mà mở đầu là Ba người khác của Tô Hoài trong những năm gần đây, đề tài này đã trở thành một trong những mảng văn học đáng chú ý.

Nhắc đến Tô Hoài, chúng ta không thể không nhắc đến nhà văn của thiếu nhi với Dế mèn phiêu lưu ký, một nhà văn của đồng bào vùng cao với tập Truyện Tây Bắc nhưng với Ba người khác, Tô Hoài đã thực sự làm nên một cuộc cách mạng trong chính lối viết của mình. Đây là tác phẩm để ra đời và xuất bản cũng phải trải qua khá nhiều sóng gió bởi nó được hoàn thành vào năm 1992 nhưng đến tận năm 2006 mới được xuất bản đến tay bạn đọc. Có thể nói, Ba người khác là tác phẩm đầu tiên nhìn trực diện vào một thời kỳ giai đoạn nhạy cảm của đất nước – thời kỳ cải cách ruộng đất. Ba người khác đã khẳng định một lần nữa sự đa dạng về đề tài cũng như bút pháp của Tô Hoài, ông đã không ngần ngại viết lên một cuốn tiểu thuyết gần 250 trang về đề tài mà trước đó chưa ai dám viết trực diện đến như thế. Dưới ngòi bút của nhà văn Tô Hoài, những mảnh ghép của số phận con người trong thời kỳ cải cách ruộng đất được tái hiện một cách thực đến đau lòng. Một thời kỳ đã làm nên những vết thương của lịch sử dường như trở thành một điều khiến con người ta không thể không nhắc tới khi nói đến văn học vết thương. Nó đã để lại dấu ấn quá nặng nề trong lòng mỗi người dân Việt Nam mỗi khi nhớ đến những năm tháng đó.

Những ám ảnh quá khứ trong “Ba người khác”
Những ám ảnh quá khứ trong “Ba người khác”

Có nhà văn đã từng nói Tô Hoài viết tự truyện như tiểu thuyết nhưng có lẽ với Ba người khác, Tô Hoài đặt dưới ngòi bút của mình tâm thế của một nhà văn viết tiểu thuyết như tự truyện. Bóng dáng Tô Hoài cũng mang dấu ấn trong nhân vật người kể chuyện xưng tôi tên Bối – một đội phó trong đội cải cách. Có thể nói, chưa bao giờ trong văn học Việt Nam, bức tranh xã hội miền Bắc những năm 1953-1956 lại được phản ánh dưới phương diện của cải cách ruộng đất rõ nét đến vậy. Ba con người, ba nhân vật, ba số phận khác nhau nhưng họ cùng gặp nhau trong một đội cải cách ruộng đất, số phận của Bối, đội trưởng Cự và Đình được viết như những mảnh ghép riêng biệt nhưng được liên kết bởi những sự kiện trong thời kỳ cải cách ở một miền quê Thanh Hóa. Tô Hoài khác với những nhà văn khác có chăng khi chọn đề tài này sẽ viết dưới góc nhìn của nạn nhân, của người chịu hậu quả nặng nề và trực tiếp của nó nhưng không, Tô Hoài đã bạo dạn chọn điểm nhìn từ chính người trong cuộc, từ những con người làm nên thời kỳ đó. Nhân vật Bối đóng vai trò của người kể chuyện, thay mặt tác giả nhìn bao quát và xuyên suốt những diễn biến trong cuộc đời các nhân vật. Một không gian đầy tối tăm của làng quê miền Bắc được mở ra với biết bao sự kiện và những biến cố trong mỗi số phận con người và cả sự thay đổi của một vùng quê rộng lớn. Nhân vật Bối như một sợi dây liên kết giữa những người cán bộ cải cách và những nạn nhân. Đội cải cách gồm hơn mười người do đội trưởng Huỳnh Cự đứng đầu, cùng với Bối và Đình, họ làm nên bộ ba cán bộ cải cách của xã đầy uy quyền. Cự là một tay đội trưởng “tính quyết đoán, nóng như lửa, gắt gao kỷ luật với mọi người”. Đình tinh ranh và nhanh nhạy, có kinh nghiệm lãnh đạo nông dân từ trước và một anh Bối người thành phố, chưa biết đến những công việc nhà nông, lười biếng cả suy nghĩ lẫn hành động. Bối dường như rất khác với những anh cán bộ khác, anh làm công việc của mình một cách uể oải và thậm chí nhiều khi không biết mình làm có đúng không, anh trốn tránh và nhường việc cho Đình và Cự, Bối không mang được tinh thần hăng hái và đầy tự hào khi làm công việc của một nhà cải cách nhưng chính vì thế anh có dịp gần gũi hơn với những con người mà sau đó trở thành “phạm nhân” trong những cuộc đấu tố. Dưới cái nhìn của Bối, một hiện thực được phơi bày, những giá trị đạo đức trong cán bộ cải cách được nói không ngần ngại. Họ chẳng qua chỉ là “những tên đạo đức giả” với công việc hô hào, kỷ luật nhưng chính bản thân họ lại là những kẻ tha hóa nhất.

Đọc Ba người khác, người đọc không tránh khỏi cảm giác coi thường những lớp vỏ bọc của con người đã được Tô Hoài lột bỏ một cách tự nhiên, sự hủy hoại đạo đức đã được phơi bày một cách rõ ràng trước ngòi bút hiện thực. Những thói hư tật xấu của những cán bộ cải cách, của nữ dân quân và cả những người nông dân được coi là “rễ”, “chuỗi” hăng hái tích cực. Họ làm cải cách dường như chỉ để hô khẩu hiệu còn bản thân họ chỉ là những con người tham lam, ích kỷ, vô văn hóa và đầy dục vọng. Họ lên án hủ hóa nhưng chính họ là những kẻ hám gái và hủ hóa nhiều nhất. Họ tưởng mình là người mang đến bình đẳng, tiến bộ nhưng chính họ phá hủy nó. Tô Hoài đã đặt người kể chuyện như một nhân vật nằm bên trong tất cả những sự kiện đó. Ông không chỉ đứng ngoài để kể về câu chuyện của người khác mà ông còn viết về chính ông, dường như đó như một lời tự thú với chính bản thân về một thời đã qua. Bức chân dung của anh đội phó Bối được hiện lên chân thật, từ tính cách đến hành động đều mang trong mình phẩm chất của một kẻ hèn mạt, từ chuyện ăn cắp cái bánh đúc của đội trưởng Cự, tới chuyện ăn vụng ở nhà bác Diệc ngay đêm đầu tiên xuống xóm và cả chuyện ăn nằm với Đơm, với Duyên cũng được thuật lại cụ thể. Hình ảnh của Bối gắn với Đình, với Cự. Họ đều là cán bộ đứng đầu cuộc cải cách xã. Nhưng cuối cùng tất cả đều nhận lại một sự thất bại. Những nhân vật của của Ba người khác đều trở nên cay đắng và chua chát, suốt cuộc đời họ làm những điều mà chính bản thân họ không biết mình làm sai hay không biết mình làm để làm gì như Bối. Họ đã lao vào công việc như một thú vui, họ sẵn sàng lật bài ngửa với nhau vì miếng ăn, vì cả những lạc thú tầm thường. Cái đói, cái khổ đã khiến cho con người ta trở nên ích kỷ và vụng trộm “Thèm ngủ thế, nhưng vẫn nhớ trong túi dết có gói bánh đúc. Cái mảnh lá chuối rơi tuột đâu đấy, tôi ngoạm như nuốt chửng vừa hết bay hai cái bánh ngô thì cũng thiếp đi luôn”. Cuộc đời ba nhân vật chính đã trải qua có thể nói như những năm tháng đen tối của cuộc đời họ. Hậu quả của cải cách ruộng đất không chỉ ảnh hưởng tới những người bị đấu tố, bức hại mà còn ảnh hưởng ngay cả chính bản thân những người làm nên cuộc cải cách đó. Một anh Đình bị cho là tay sai của Quốc dân Đảng, bị tra tấn dã man, một Bối bị mất việc bởi những điều anh đã gây ra khi còn làm cán bộ cải cách và một Huỳnh Cự chạy theo hàng ngũ địch với tư cách của một kẻ bán nước. Tất cả họ đều có những cái kết không có hậu và phải chăng đó cũng là điều xứng đáng cho những tội lỗi, sai lầm mà họ đã gây ra.

Tô Hoài đã không ngần ngại khi miêu tả những hệ lụy của một thời kỳ đen tối và sai lầm. Ông đã đi thẳng vào chính suy nghĩ và hành động của họ. Một bức tranh hiện thực được khắc họa đầy đau thương, cảnh đấu tố, tra tấn, đuổi bắt như một điều quá bình thường ở làng quê nghèo. Những bữa cơm trộn cám, những ngôi nhà liêu xiêu đã khiến cho họ chỉ muốn kiếm cho mình miếng no bằng mọi cách. Cha con ông Diệc phải đấu tố chính bố vợ và ông ngoại mình. Duyên tìm thủ đoạn mua chuộc và đòi hỏi cho mình phần ruộng tốt… đạo đức và tình người dường như đã không còn tồn tại ở đây. Những bản án, cáo trạng được đưa ra như những cái mũ úp chụp lấy đầu người dân. Người chịu chết, người tự tử, người chạy trốn… Cái còn lại chỉ là sự tiêu điều, xơ xác và cả những thứ cặn sót lại.

Tô Hoài đã viết bằng chính ngòi bút hiện thực của mình, ông không tô vẽ, không tránh né mà đứng nhìn, nhìn bản thân mình cũng như nhìn chính những người xung quanh. Ba người khác được viết ở thì hiện tại nhưng đó là sự “nhìn lại” quá khứ. Thời gian kể chuyện được ngắt nghỉ tự nhiên, thủ pháp “ngoái lại” được Tô Hoài sử dụng một cách triệt để, quá khứ, hiện tại đan xen lẫn nhau khiến người đọc cảm nhận dường như những gì đã qua vẫn còn ám ảnh trong suy nghĩ của các nhân vật. Tô Hoài viết Ba người khác không bằng giọng văn chau chuốt và đầy cảm thương mà ở đây dường như vai trò của tác giả đã hoàn toàn biến mất. Ông đặt mình hoàn toàn vào nhân vật người kể chuyện, Ba người khác chỉ đơn giản là thuật và kể nhưng không nhàm chán, không chủ quan mà đi vào lòng người đọc rất tự nhiên. Chưa bao giờ chúng ta chứng kiến một Tô Hoài với ngôn ngữ bình dị và hiện thực đến vậy. Ông miêu tả những cảnh nhục cảm rất thật khiến người đọc không khỏi ngạc nhiên ở cây bút lão thành, những cảnh đấu tố không cần viết dài, viết nhiều, chỉ vài dòng cũng đủ làm người đọc cảm thấy xót xa.

Nếu đặt Ba người khác cạnh các tác phẩm mà Tô Hoài đã viết, sẽ không thể coi đó là tác phẩm xuất sắc của ông nhưng đây chính là tác phẩm đầu tiên và cũng là tiêu biểu nhất cho văn học vết thương. Ba người khác không phải là một tiểu thuyết mang tính chính luận, nó chỉ đơn giản là một sự phản ánh hiện thực. Văn học vết thương đã chứng kiến sự ra đời của không ít những tác phẩm tên tuổi như Nguyễn Khắc Trường (Mảnh đất lắm người nhiều ma), Nguyễn Huy Thiệp (Tướng về hưu), Dương Hướng (Bến không chồng), Nguyễn Mạnh Tuấn (Khoảng cách còn lại, Cù lao Tràm) và rõ nét nhất là Bảo Ninh với Nỗi buồn chiến tranh nhưng có lẽ với Ba người khác, một vết thương quá khứ được phản ánh rõ nét hơn cả. Mỗi thân phận, mỗi cuộc đời con người trong Ba người khác đều khiến chúng ta ám ảnh, cuộc đời của mỗi nhân vật tựa như một cái ao tù không lối thoát và “Cái sợ, cái buồn, cái vui, cái hồi hộp, tôi như con quay ném vào đám chơi, cái dây vật quay tít hay để con quay lăn long lóc, tự tôi chẳng biết ra thế nào”. Họ đã đi qua thời kỳ ấy, đất nước cũng đã đi qua thời kỳ ấy nhưng dường như những nỗi ám ảnh về nó vẫn chưa hoàn toàn được gột rửa. Tô Hoài nằm trong số ít nhà văn dám nhìn thẳng và trực diện về đề tài này và ông đã thành công. Xin được lấy lời của nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên thay cho lời kết “Cải cách ruộng đất là một vấn đề lớn của lịch sử đất nước, nhưng đó là một đề tài khó cho văn học, một thử thách bản lĩnh và tài năng của nhà văn. Tô Hoài đã chấp nhận và vượt qua thử thách đó phải nói là thành công ở cuốn Ba người khác”. Chi tiết xem tại: https://tonvinhvanhoadoc.vn/.

Trần Thư

5/5 - (1 bình chọn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.